- Ngày về Hà Nội đi thi THPT quốc gia, Thúy được mẹ cho 150.000 đồng. Lần bắt xe về thủ đô cũng là lần Thúy đi xa nhất mà không có người thân đi cùng. Ngày đi thi, buổi tối Thúy lại đi dọn nhà, rửa bát thuê.

{keywords}

Lê Thị Thúy ở nội trú kí túc xá Trường ĐH Kinh tế quốc dân sáng 2/7. Ảnh: Văn Chung.

Lê Thị Thúy sinh ra trong gia đình có 7 người con ở xóm 14, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, Nam Định.

Thúy có 3 anh trai. Một người mất năm lên 8 khi đi cùng bố ở bãi vàng bị cây đổ đè chết, một người bị bạo bệnh mất năm mới 3 tuổi,  còn một anh mất vì lao màng não khi đã 30 tuổi và có gia đình. Thúy là con thứ sáu, dưới còn em gái chuẩn bị lên học lớp 12.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố Thúy năm nay đã 65 tuổi vẫn phải đi làm thêm đủ thứ nghề ở khu Bạch Đằng (Hà Nội). Sáng làm đất đèn, tối còn sức khỏe thì đi chạy xích lô, xe ôm.

Mẹ Thúy năm nay 63 tuổi. Cách đây vài năm, bà cũng đi làm thêm ở Hà Nội cũng với đủ nghề từ phụ hồ, dọn nhà, rửa bát. Tai nạn bất ngờ ập đến khi bà không may bị bê tông đổ đè gãy tay. Sức khỏe bà từ đó xuống nhanh. Giờ, người mẹ già về quê nuôi lợn gà cùng 6 sào ruộng và chăm cháu nhỏ giúp chị của Thúy.

Hỏi Thúy đã bao giờ tự ti, mặc cảm về số phận, em chỉ cười nhẹ lắc đầu. "Ai sinh ra cũng có một số phận của riêng mình. Em còn may mắn khi có một gia đình và những người thương yêu em. Đó là điều quý giá nhất" - Thúy tâm sự.

Gia đình khó khăn, từ nhỏ Thúy đã quen với đủ công việc đồng áng: từ gặt lúa, cấy hái, làm màu. Mẹ đau ốm nên mỗi khi đi học về nhà, Thúy lại thay em lo hết mọi việc từ cho lợn gà ăn, nấu cơm, giặt quần áo để mẹ nghỉ ngơi bế cháu.

Cuộc sống vất vả nhưng việc học của Thúy rất tốt. Suốt 12 năm học em đều là học sinh giỏi. Thúy còn là thành viên của đội thi học sinh giỏi Toán của Trường THPT Nguyễn Trường Thúy nơi em theo học.

Ba năm học THPT Thúy cũng nhận được học bổng khuyến học của huyện của tỉnh.

  {keywords}    

Ngày Thúy về Hà Nội đi thi, người mẹ chắt bóp được 150.000 đồng cho con trong 5 ngày thi. Với mấy bộ quần áo và sách vở, Thúy một mình ra bến xe bắt về thủ đô.

"Lần đầu đi xa, lại không có người thân bên cạnh em cũng sợ lắm. Ra đến Hà Nội, thấy nơi nào cũng đông người, đường phố ồn ã" - Thúy tâm sự.

Nhờ có chị gái đang làm thuê, ở trọ khu vực Thái Hà (Hà Nội) nên Thúy cũng về ăn nghỉ cùng.

Về Hà Nội từ 25/6, Thúy xin bố mẹ cho em được đi dọn nhà, rửa bát thuê cùng chị để có chút tiền trang trải trong mấy ngày đi thi.

"Bố mẹ lúc đầu không cho vì sợ em không đảm bảo sức khỏe. Nhưng em nói bố mẹ yên tâm, con lo được, bên cạnh lại có chị gái phụ giúp nữa"- Thúy cho biết.

Mỗi tiếng đi rửa bát, dọn nhà Thúy được trả công 20.000 đồng. Sáng lại ôn thi rồi đi bộ hơn 1km từ chỗ trọ ra điểm thi Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội

Rồi một ngày Thúy tình cờ nhận dọn nhà cho một bác gái nhà ở phố Thái Hà.

Biết chuyện của Thúy, bác còn nhận làm xe ôm chở em đến trường thi. "Sau đó bác giới thiệu mình là nhân viên của Trung tâm hỗ trợ dịch vụ đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Thông qua bác, lãnh đạo trung tâm đã hỗ trợ giúp em một chỗ ở miễn phí trong kí túc xá Trường ĐH Kinh tế quốc dân để đi lại trong mấy ngày thi thuận tiện" - Thúy cho biết.

Thúy đã vào ở trong kí túc xá của trường từ tối 1/7.

Nói về kết quả thi ngày 1/7, Thúy cho biết mình làm khá tốt bài thi môn Toán và dự tính được trên 8 điểm. Môn tiếng Anh thi để tốt nghiệp THPT nên em hài lòng với bài làm này.

Những ngày tới, Thúy vẫn sẽ vừa học ôn ban ngày để buổi tối đi làm thêm. Ước mơ bấy lâu của Thúy là trở thành bác sĩ vì trước hết là những người thân đã mất vì bệnh tật.

Nếu đỗ đại học, Thúy sẽ tiếp tục tìm việc làm thêm vì em biết bố mẹ dù có cố gắng cũng không thể lo đủ kinh phí cho em theo học đại học.

  • Văn Chung

Toàn cảnh ngày thứ hai thi THPT quốc gia

Mời các bạn xem toàn cảnh thông tin về đề thi, phân tích đề thi của chuyên gia, xu hướng làm bài của thí sinh, các sự kiện bất thường và những câu chuyện cảm động trong ngày thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia.