Tại hội thảo, Đại sứ Vũ Quang Minh điểm qua tình hình và trao đổi chi tiết về thực trạng nguồn lao động Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu lao động có tay nghề tại Đức tăng cao, cùng với sự thay đổi cơ cấu nhân khẩu học (già hóa dân số) đang làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nhân lực trẻ; ghi nhận những điểm mạnh cũng như một số vấn đề đang cản trở hợp tác lao động giữa hai nước.
Ngoài việc nhất trí hai bên đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường xây dựng các cơ chế, tạo điều kiện cho nhau trong việc giải quyết những thủ tục giấy tờ trong quy trình cấp thị thực, Đại sứ Vũ Quang Minh đề xuất mở rộng hợp đào tạo lao động có kỹ năng nghề với bằng cấp được hai bên công nhận để tăng số lao động Việt Nam tại Đức trong tương lai. Đặc biệt, Đại sứ đề xuất phía Đức nên hợp tác với các hội đoàn người Việt Nam tại bang nói chung và thành phố Rostock, nơi có nhiều người Việt sinh sống, để giúp đỡ những lao động mới sang.
Đại sứ Vũ Quang Minh ghi nhận GEDU là một trong những công ty hàng đầu về đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực tại Đức. GEDU đã tập trung chú trọng công tác đào tạo lao động lành nghề. Quy trình tuyển chọn nhân sự của GEDU được xây dựng toàn diện và chuyên nghiệp. Với quan điểm, định hướng và các mục tiêu phù hợp, chương trình của GEDU đã đáp ứng “Tiêu chuẩn vàng” của Bộ Ngoại giao Đức.
Ngoài ra chương trình của GEDU cũng nằm trong khung pháp lý về thỏa thuận hợp tác liên chính phủ giữa Đức và Việt Nam về tuyển dụng du học sinh nghề và lao động lành nghề đảm bảo sự công bằng và phát triển bền vững. Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, không chỉ đưa lao động sang Đức mà GEDU còn theo sát lao động trong một thời gian và hiện tỷ lệ học viên bỏ học thông thường từ mức 50% trở lên đã giảm xuống chỉ còn dưới 10% tại chương trình GEDU.
Phát biểu tại hội thảo, ông Thanh Long, người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty GEDU khẳng định sẽ tiếp tục tập trung tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực cho 3 lĩnh vực quan trọng đang thiếu hụt lao động tại Đức là: Y tế và chăm sóc sức khỏe; Dịch vụ khách sạn và bán lẻ; Công nghệ và thủ công - từ dịch vụ Công nghệ thông tin qua thợ điện bậc thầy đến kỹ sư công nghệ vi mạch trong đào tạo nghề kép. Cụ thể, GEDU đang thực hiện các buổi trao đổi với các bang để phát triển cơ sở hạ tầng và các giải pháp hội nhập nhằm tìm kiếm tài năng trẻ và chuyên gia lành nghề phù hợp với tình hình khu vực và nhu cầu thực tế của các công ty tại Đức. Một trong những kế hoạch trọng điểm nhất là GEDU đang đầu tư xây dựng một cơ sở đào tạo đáp ứng tối đa 300 học viên mỗi năm tại Việt Nam, tích hợp giữa đào tạo ngôn ngữ, chuẩn bị hội nhập văn hóa và đánh giá trình độ ứng viên trước khi chính thức bước vào hành trình du học nghề tại Đức.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng cũng như đào tạo lao động, những vấn đề pháp lý liên quan đến việc nhập khẩu lao động hợp pháp, Quốc vụ khanh bang Mecklenburg-West Pomerania Patrick Dahlemann khẳng định sự phối hợp giữa doanh nghiệp, giới chức chính quyền, các nhà hoạch định chính sách chính là yếu tố quyết định giải quyết những vướng mắc trong khâu tuyển dụng lao động trong tương lai.
Hiện có 500 người Việt Nam (theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp – IHK) đang học nghề tại bang Mecklenburg-West Pomerania, đồng nghĩa với việc đây sẽ là 500 việc làm rất cần thiết, sẽ được tạo điều kiện để ở lại làm việc tại bang.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ở bang Mecklenburg-West Pomerania đã đến Việt Nam tìm nguồn lao động, ông Jochen Schulte, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế bang, cũng là bộ phận có nguồn ngân sách lớn nhất cho mảng đào tạo nghề, cho biết cơ quan này có trách nhiệm tạo ra khuôn khổ, khung hội nhập phù hợp cho những người được đào tạo nghề, nhất là trong việc hỗ trợ lao động các thủ tục ban đầu như làm giấy tờ, tìm nhà, mở tài khoản ngân hàng, dịch vụ hành chính… Theo đó, Bộ Kinh tế bang đã đưa ra một chính sách mới là hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp bang thiết lập một Trung tâm dịch vụ hỗ trợ người lao động nhập cư.
Ông Schulte cho rằng cả Phòng Thương mại và Công nghiệp cũng như Hiệp hội doanh nghiệp bang phải cùng điều chỉnh những chính sách, hai bên cùng đạt được lợi ích và có được sự thành công lâu dài.