sách nói B6.jpg
Những năm qua, ngành xuất bản, in và phát hành chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hoá lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. (Ảnh minh hoạ)

Từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2024, 5 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ được giảm 50% phí, lệ phí. Đây là quyết định của Bộ trưởng Bộ TT&TT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.

Theo đó, có 3 thủ tục hành chính cấp Trung ương, gồm: Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; Cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; Cấp giấy xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh và 2 thủ tục cấp địa phương: Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; Cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2024, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BTTTT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TT&TT. 

Theo đó, từ ngày 1/5/2024, 33 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xuất bản, in và phát hành được Bộ TT&TT triển khai sửa đổi, bổ sung, trong đó có 24 thủ tục hành chính cấp Trung ương và 9 thủ tục hành chính cấp địa phương. 

Việc sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TT&TT là căn cứ vào các nghị định của Chính phủ liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính, gồm Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Những năm qua, cùng với việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, ngành Xuất bản, In và Phát hành cũng từng bước đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, nhất là chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính để giảm tối đa thời gian, chi phí của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này, từ đó góp phần hiện đại hoá lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Trong đó, có 48 nhà xuất bản thuộc Trung ương và 9 nhà xuất bản thuộc địa phương. 

Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Năm 2023, cả nước có 24 nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử, tăng 26,3%, góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử trên tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3%, vượt chỉ tiêu đề ra 12%.

Tại hội thảo bàn về việc hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, phát triển toàn diện, vững chắc và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản được Bộ TT&TT tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, cho biết, 20 năm qua, lĩnh vực xuất bản tăng bình quân 6-8%/năm, số đầu sách tăng 1,8 lần, số bản sách tăng 2,2 lần, doanh thu tăng 3,2 lần.

Cụ thể, năm 2022 đạt 6 bản/người/năm; năm 2023 có gần 37.000 đầu xuất bản phẩm, trên 530 triệu bản sách in và sách điện tử, đưa tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 5,3 bản/người/năm.

Lĩnh vực in tăng trưởng cả về quy mô và số lượng, với tăng trưởng toàn ngành khoảng 6%. Đến năm 2023, cả ngành có trên 2.100 cơ sở in với doanh thu gần 100 nghìn tỷ đồng, vươn mình trở thành ngành công nghiệp phát triển. Năm 2023, tổng doanh thu của cả 3 lĩnh vực đạt khoảng 102.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, in và phát hành tiếp tục cần được cải cách, chuyển đổi sâu sắc hơn nữa để phát triển mạnh mẽ và bền vững, vì vậy, thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành tiếp tục triển khai các giải pháp đột phá, trong đó trọng tâm là việc cải cách hành chính nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản, in và phát hành phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số; tạo sự đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản, cơ sở in, doanh nghiệp phát hành.

Trước mắt, năm 2024, thực hiện nghiêm quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với công tác quản lý nhà nước về xuất bản, trong đó có giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục hành chính nội bộ trong lĩnh vực xuất bản. Tập trung chuẩn bị hồ sơ trình sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012 nhằm thay đổi các quy định về in xuất bản phẩm theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp in phát triển, chú trọng vào công tác chuyển đổi số của nhà nước cũng như doanh nghiệp in, góp phần cải cách thủ tục hành chính đơn giản, hiện đại. 

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2015/TT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Nghị định ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in; Thông tư số 22/2018/TT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm.

Triển khai và thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TT&TT giai đoạn 2020-2025.

Hải Yến