Thời gian gần đây, một số người dân ở Hà Nội than phiền về việc sau khi có kết quả test nhanh dương tính, phải chờ nhiều ngày mới nhận được kết quả khẳng định PCR. Sự chậm trễ này khiến chính quyền địa phương lúng túng, không thể ký quyết định đưa đi điều trị tập trung hay cách ly tại nhà.
Mới nhất, dư luận quan tâm về vụ việc 1 gia đình ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai có 4 F0 nhưng sau 5 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vẫn chưa được đưa đi cách ly hay có biện pháp phòng chống dịch.
Lãnh đạo địa phương giải thích, y tế phường đã lấy mẫu của gia đình này gửi CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định. Tuy nhiên, phía CDC vẫn chưa có phản hồi chính xác nên không thể đưa gia đình đi cách ly y tế.
Chiều 16/12, lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai không chỉ có CDC thực hiện xét nghiệm, còn đơn vị khác cũng tham gia công tác này: “Trường hợp 4 F0 ở phường Hoàng Liệt là do đơn vị khác thực hiện xét nghiệm theo phân tuyến của Sở Y tế”.
Trả lời câu hỏi chậm trả kết quả xét nghiệm có phải do quá tải, vị này cho hay, thành phố chưa đến mức độ nêu trên, tuy nhiên do số lượng mẫu tăng lên, số mẫu dương tính nhiều nên sẽ chậm hơn thời gian trước. Bên cạnh đó, có những mẫu phải xét nghiệm tới lần thứ 2, 3 mới dám khẳng định, ít nhiều ảnh hưởng tới tiến độ trả kết quả.
"Trước đây khi chưa ở trạng thái bình thường mới, làm 1.000 mẫu xét nghiệm, tất cả đều âm tính nên thời gian rất nhanh. Bây giờ làm 1.000 mẫu mà 100 mẫu dương thì lực lượng chuyên môn sẽ phải làm lần 2, lần 3, khẳng định xong phải khử khuẩn rồi mới làm tiếp được.
Mẫu xét nghiệm dương tính nhiều sẽ mất thời gian hơn rất nhiều lần, chỉ tính riêng CDC Hà Nội ngày làm vài nghìn mẫu. Một số quận, huyện và bệnh viện cũng tham gia công tác xét nghiệm. Trung bình mỗi ngày, Hà Nội xử lý trên 10.000 mẫu, trong đó có cả mẫu cách ly, mẫu xét nghiệm lần 2, 3”, đại diện CDC Hà Nội cho biết.
Lãnh đạo CDC Hà Nội khuyến cáo người dân, khi test nhanh và nhận kết quả dương tính tại nhà, cần tuân thủ nghiêm biện pháp 5K, liên hệ với lực lượng y tế để được hướng dẫn cụ thể và bình tĩnh xử trí theo hướng dẫn.
Các quận, huyện phải có phương án cụ thể để xử lý rác thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2 và rác thải sinh hoạt. Trong đó, xử lý rác thải y tế riêng, rác thải sinh hoạt xử lý bình thường. “Mỗi quận, huyện cần ký hợp đồng với công ty môi trường nào đó chịu trách nhiệm xử lý việc này", đại diện CDC nói.
Từ đầu đợt dịch thứ tư đến hết ngày 15/12, TP Hà Nội đã ghi nhận tổng số trên 21.000 ca Covid-19, trong đó riêng từ thời điểm áp dụng “Thích ứng an toàn” theo Chỉ thị 128 (ngày 11/10) đã có thêm trên 17.000 F0. Số ca nhiễm có xu hướng tăng mạnh, 1 tuần gần đây trung bình mỗi ngày phát hiện gần 900 F0 mới.
Đỉnh điểm, ngày 15/12, Sở Y tế Hà Nội công bố tới 1.357 ca Covid-19 mới với 611 ca cộng đồng, là con số kỷ lục của Hà Nội, vượt cả tâm dịch TP.HCM về số mắc trong ngày.
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội mới nhất
Bảo Anh
Gia đình Hà Nội 4 người mắc Covid-19 kêu bị 'bỏ quên', chính quyền nói gì?
Đại diện UBND phường Hoàng Liệt cùng cán bộ y tế đã trực tiếp đến tầng 16, chung cư HH3A sau khi có đơn cầu cứu một gia đình 4 F0 bị 'bỏ quên', không được đưa đi cách ly và tư vấn chăm sóc.
Đóng cửa để chống dịch giai đoạn này là không hiệu quả
F0 ở Hà Nội tăng cao nhưng chuyên gia khẳng định việc đóng cửa chống dịch như Chỉ thị 15,16 ở giai đoạn này là 'không cần thiết và không hiệu quả'.