Trẻ bỏ học, ham chơi, phải nhập viện cai nghiện; cha mẹ khóc cạn nước mắt, xích chân để giữ con ở nhà… cũng chỉ vì con trẻ nghiện trò chơi điện tử (game). Tuy nhiên để cho con cái “nghiện game”, chìm đắm trong thế giới ảo của Internet, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các bậc cha mẹ.

Tại sao trẻ dễ bị sa đà vào các trò chơi điện tử?

Trò chơi điện tử về bản chất không xấu. Mục đích làm ra nó để thỏa mãn nhu cầu giải trí của con người. Chính cách sử dụng và quản lý không tốt của chúng ta mới để những mặt trái, tiêu cực của game có cơ hội để phát triển và biến tướng.

Hiện nay có thể thấy, độ tuổi trẻ nghiện game ngày càng có xu hướng giảm. Trên thế giới không ít trường hợp cha mẹ đến cuối tháng mới phát hiện ra "cậu ấm cô chiêu" của mình đã đốt hàng chục nghìn đô cho những vật phẩm trong thế giới ảo. Ở Việt Nam, những câu chuyện điển hình về tình trạng bạo lực đánh đập con trẻ, hiện tượng bỏ nhà đi bụi hay trộm cắp để có tiền chơi net không còn hiếm. Tất cả đó đều là những mặt trái của game.

Những chuyên gia tâm lý đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến trẻ nghiện game: Game cho trẻ cảm giác làm chủ bản thân, được hành động tùy thích, được nói năng tùy thích, không phải xin phép ai, thỏa mãn được tâm lý cộng đồng. Cảm giác làm chủ này tuy ảo nhưng lại có sức hấp dẫn vô cùng lớn.

Con trẻ ngày càng thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. (Ảnh minh họa)

 

Ngay cả những người trên 18 tuổi, biết rõ những tác động có hại mà game mang lại nhưng cũng không thiếu trường hợp "thâu đêm suốt sáng" bên hàng net, cúp học triền miên dẫn đến không thể tốt nghiệp ra trường. Huống chi những đứa trẻ trong độ tuổi từ 3 - 15 càng khó có thể thoát khỏi cám dỗ.

Những bậc cha mẹ có con trong độ tuổi còn đi học càng cần phải chú ý quan tâm. Đến khi con "lỡ nghiện" thì rất khó bỏ và những lời "than thân trách phận" hay đổ lỗi cho hoàn cảnh đã là quá muộn. Cần xác định trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về mình.

Thiếu sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ của phụ huynh

Nguyên nhân sâu xa nhất khiên một đứa trẻ rời xa thế giới thực để chìm đắm trong các trò chơi đó chính là thiếu sự chăm sóc, chia sẻ, phân tích đúng sai của cha mẹ. Con trẻ sẽ có cảm giác bơ vơ trong cuộc sống tinh thần và thiếu tự tin trong các lựa chọn của mình. Trong khi đó, việc chơi game lại cung cấp cho trẻ một lối thoát: xả stress, được thỏa mãn các cảm xúc và chứng tỏ mình!

Ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển thì càng có nhiều mối bận tâm. Các bậc phụ huynh ngoài vấn đề cơm áo gạo tiền, còn hàng trăm vấn đề cần giải quyết. Cũng chính vì thế mà thời gian dành cho con cũng bị thu hẹp. Đến khi con học hành sa sút vì chơi điện tử, gia đình mới tá hỏa đi tìm con, rồi dùng đủ các biện pháp như đe dọa, quát mắng, đánh đập... càng làm sự việc trở nên trầm trọng.

Những đứa trẻ sẽ nảy sinh ra những trạng thái tiêu cực, chống đối và cha mẹ sẽ ngày càng rời xa con mình. Tuy nhiên, mấy ai trong số các bậc phụ huynh có con em ham mê điện tử tự hỏi: "Mình đã ở đâu khi con mới bắt đầu 'nghiện' game?".

Con trẻ không giỏi trong việc giấu cảm xúc và hành vi. Chính vì vậy, những thay đổi trong cách sinh hoạt, học tập hàng ngày có thể dễ dàng nhận ra nếu bố mẹ để ý. Và còn rất nhiều kênh thông tin có thể tìm hiểu như qua bạn bè, trường lớp, lớp học thêm... để họ có thể nắm được tình trạng của con em mình mà uốn nắn kịp thời.

Các em dễ dàng bị thu hút bởi những hình ảnh đẹp, âm thanh cuốn hút, những thử thách trong thế giới ảo... hoàn toàn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh đều áp đặt một định kiến duy nhất: "game là xấu, có hại, phải tránh xa nó!" mà không phân tích, chỉ ra cho các em thấy được. Chính vì tâm lý bất mãn, các em sẽ "càng cấm càng làm" và trở thành nghiện lúc nào không hay.

Nuông chiều con thái quá

Còn có những phụ huynh lại quá yêu thương con mà nuông chiều một cách thái quá. Bất cứ đòi hỏi nào của con cũng đáp ứng mà không cần suy nghĩ.

Đáp ứng vô tội vạ đòi hỏi của con chính là hành động làm hư con nhanh nhất. (Ảnh minh họa)

 

Không khó để bắt gặp một đứa trẻ lên hai lên ba đã có thể sử dụng thành thạo smart-phone (điện thoại thông minh), máy tính bảng. Các thao tác "nhoay nhoáy" đến mức người lớn cũng chưa chắc có thể làm được. Vậy mới biết trẻ em hiện nay có thể thích ứng nhanh với cuộc sống thế nào. Nhưng bậc phụ huynh hình như chưa nhận ra hoặc cố tình để như vậy.

Để chúng "ngoan ngoãn" ăn uống, học hành, họ sẵn sàng cho con em mình tiếp xúc với những trò chơi điện tử, những đoạn phim YouTube... Và dần dần hình thành một thói quen xấu. Đứa trẻ sẽ không ăn, không học nếu không được xem, được chơi. Chúng có thể "dán mắt" vào chiếc màn hình bé xíu cả ngày trời mà không biết chán. Đến lúc con đã cận nặng, tỏ ra cáu gắt khi người khác động vào, hay không quan tâm đến việc vệ sinh cơ thể... thì cũng là lúc những đứa trẻ đó đã thực sự nghiện game. Không ai khác chính các phụ huynh đã "giúp" con mình bị nghiện.

Đến việc là tấm gương xấu để con soi vào

Một bộ phận không nhỏ các ông bố bà mẹ thời công nghệ (tuổi 8x, 9x) ham mê Game, Facebook... và vô tư chơi trước mặt con trẻ. Những đứa trẻ thường học và làm theo người lớn, có thể nói nó đã có những tấm gương "xấu" để soi vào.

Một hình ảnh thường thấy hiện nay là việc những ông bố bà mẹ trẻ rất vô tư sử dụng điện thoại, máy tính trong lúc cả gia đình dùng cơm, quây quần bên nhau. Thậm chí, có những gia đình sau khi ăn xong nghỉ ngơi thì mỗi người một thiết bị. Bố thì dùng máy tính bảng xem đá bóng, chơi game; mẹ lướt Facebook còn con cũng không "kém cạnh" khi chơi đùa... bên chiếc điện thoại.

Bố mẹ được rảnh tay không phải trông con, còn đứa bé cũng cảm thấy thích thú mà không hề thắc mắc. Họ chỉ tặc lưỡi khi thấy con "ôm" máy tính cả ngày, với suy nghĩ: “Thôi kệ nó, trẻ con ai cấm chơi làm gì, ở nhà là ngoan rồi, còn hơn ra ngoài đường bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, những trò còn kinh khủng hơn”. Những bậc cha mẹ này cho rằng như thế là quá đủ. Nhưng chính trong những gì họ cho là quá đủ lại ẩn chứa những mầm mống ảnh hưởng tới con cái mà họ không hề nhận ra. Bản thân game không xấu, chính hoàn cảnh giáo dục và cách thức con người tiếp cận game mới sinh ra những điều xấu.

Trong gia đình hiện đại ngày nay hình ảnh cả bố, mẹ và con đều đang say sưa với món đồ công nghệ không hiếm. (Ảnh minh họa)

 

Theo các chuyên gia tâm lý: trong việc quản lý trẻ em trò chơi trực tuyến, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. “Người ta nói Internet như là không khí, không ai có thể chặn nó được. Tốt nhất là giống như chúng ta đưa con đi chơi ở ngoài đường, gặp trời lạnh thì phải mặc áo ấm, choàng khăn, gặp bụi thì phải đeo khẩu trang chứ không thể ngăn gió, ngăn bụi được.

Với Internet cũng vậy, cha mẹ phải quản lý được con cái mình, không nên thả lỏng cho trẻ chơi rồi có việc gì lại đổ tại xã hội. Chúng ta không thể trách những trẻ mê chơi game được, vì cha mẹ đã không chỉ cho trẻ cách chơi, không bày ra những trò chơi bổ ích cho trẻ chơi. Chính họ mới cần phải thay đổi, tham gia những lớp bồi dưỡng kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng quản lý con em mình.

 

theo gamethu