Bảo vệ trẻ em là vấn đề nhức nhối không chỉ cha mẹ, nhà trường mà toàn xã hội quan tâm. Ở bất cứ độ tuổi nào, trẻ em cũng có thể chịu bạo lực. Đối tượng bạo lực có thể là người lớn thậm chí chính trẻ em bạo lực lẫn nhau. Vì vậy, việc cấp thiết cần đặt ra là gia đình, nhà trường phải cùng nhau phối hợp, giáo dục con trẻ hành vi bạo lực là sai trái, đồng thời dạy trẻ cách tự bảo vệ chính mình khỏi bạo lực. 

TS Vũ Việt Anh - chuyên gia tâm lý giáo dục - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công sau khi theo dõi tin tức về vụ bé 3 tuổi bị bé trai hàng xóm đánh đã có những phân tích về vấn đề này.

vu viet anh.jpg
TS Vũ Việt Anh - chuyên gia tâm lý giáo dục

Ông cho biết, bạo lực không liên quan đến tuổi tác. Hành vi này có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Hành vi của cháu bé 6 tuổi trong đoạn clip là bạo lực. Tuy nhiên, ông cho rằng, để kết luận cháu bé 6 tuổi có xu hướng bạo lực hay không thì chưa đầy đủ, cần có sự quan tâm, phân tích của các chuyên gia.

Theo chuyên gia, điều này cảnh báo rằng, việc giáo dục về phẩm chất, nhân cách, cách hành xử đúng mực cho trẻ không cần phải đợi lứa tuổi. Cha mẹ từ rất sớm cần dạy con về đạo đức, thái độ sống và cách ứng xử đúng đắn, để trẻ luôn có một cuộc sống an toàn, lành mạnh.

T.S Vũ Việt Anh chỉ ra những nguyên nhân khiến trẻ có thói hung hăng, bạo lực. Chẳng hạn như trẻ thường học và bắt chước những gì diễn ra xung quanh. Người lớn xung quanh có hành vi bạo lực, xem phim ảnh, chơi game có yếu tố bạo lực sẽ khiến trẻ bắt chước. Khi trẻ thấy hành vi bạo lực diễn ra trong quá khứ từng hiệu quả, các cháu sẽ có xu hướng áp dụng bạo lực đó cho những lần hành xử tiếp theo.

Ngoài ra, nơi trẻ sinh sống nếu có việc sử dụng bạo lực trong hành vi đối xử hàng ngày cũng có thể làm ảnh hưởng tới trẻ nhỏ. Cũng không loại trừ một số trẻ có thể có những yếu tố di truyền khiến xu hướng bạo lực mạnh hơn những đứa trẻ bình thường khác. 

Theo ông, trong tình huống này, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh, không nên quát mắng, đánh đập khiến trẻ càng sợ hãi và có ấn tượng sâu với bạo lực. Cha mẹ cần ngồi lại với con, tìm hiểu nguyên nhân và chỉ cho con hành vi bạo lực là sai.

Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ giúp đỡ từ các chuyên gia để tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi vì sao con có hành động như vậy. Hãy động viên khi con làm được việc tốt. Luôn lưu ý cha mẹ chính là tấm gương để trẻ noi theo.

anhdd1.jpg
Hình ảnh trích xuất từ camera ghi lại cảnh bé trai hàng xóm có hành động đánh bé gái 3 tuổi

Trước đó, đoạn clip ghi lại cảnh bé trai 6 tuổi liên tục đánh vào người một bé gái 3 tuổi đang nằm, còn dùng dây đồ chơi quất mạnh vào người bé gái khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Sự việc xảy ra vào ngày 14/4 tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Chị Chu Thị Hồng Nhung, mẹ nuôi cũng là bác ruột và là người nuôi dưỡng bé gái cho biết: “Bé nhà tôi tên là T.A, năm nay 3 tuổi, cháu bình thường đi học, thế nhưng hôm xảy ra sự việc là Chủ nhật nên con được nghỉ, ở nhà với bà nội. Trưa hôm đó, con ngủ cùng bà và anh trai ruột, sau đó 2 người này dậy trước, T.A tiếp tục ngủ”.

Đến tối 14/4, khi thay quần áo cho con, gia đình phát hiện nhiều vết bầm tím trên cơ thể bé nên đã xem lại camera và phát hiện hành vi của bé trai hàng xóm 6 tuổi.  

Theo hình ảnh trong camera, vào khoảng gần 16h ngày 14/4, bé T.A đang nằm ở nhà thì bé trai nhà hàng xóm tên M. (6 tuổi) sang chơi. Cháu M. vào gọi bé gái dậy không được nên đã đánh liên tục vào người bé, còn dùng dây đồ chơi quất mạnh vào người khiến bé gái sợ hãi, khóc lớn.

Theo chị Nhung, trước đây bé trai hàng xóm từng nhiều lần bế T.A bỏ vào sọt đồ chơi rồi đậy nắp lại. Chị Nhung và mẹ đẻ của T.A đã nói chuyện với bố mẹ của cậu bé hàng xóm để nhắc nhở con. Gần đây, chị thấy các cháu chơi với nhau không có vấn đề gì, cậu bé hàng xóm cũng nhường đồ chơi cho T.A và rủ cô bé sang nhà chơi.

Sự việc xảy ra khiến gia đình chị Nhung rất hoang mang. Trưa ngày 15/4, gia đình chị Nhung và bố mẹ cháu trai đã đưa T.A đi khám ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Rất may bé T.A chỉ bị tổn thương mô mềm phần mông.

Chị Nhung cho biết, hiện tại tâm lý của cháu T.A cũng tạm ổn, bé ăn được, ngủ được nhưng sợ gặp cậu bé hàng xóm.