Để nâng cao kiến thức phòng chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội đã tổ chức các phiên toà giả định tại một số trường THCS.

Các nhân vật và đại diện toà án, luật sư tại phiên toà giả định chính là các học sinh, cán bộ tư pháp và Hội Phụ nữ đóng vai. Trong đó, một vụ việc có thật đã xảy ra và được dựng lại trong phiên toà giả định là câu chuyện của 4 học sinh. 

Chiều 31/1/2023, do mâu thuẫn từ trước, 3 học sinh Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh và Trần Văn Khang đến nhà nữ sinh Hà Anh để “nói chuyện”. Tại nhà Hà Anh, thấy bạn đang ngủ, Thảo cầm cây gậy nhựa ở cầu thang, đánh vào đầu, tay phải và lưng của Hà Anh để gọi dậy. Thấy Hà Anh vùng dậy định chạy, Thảo bảo Khang đè giữ tay Hà Anh lại và chất vấn cô bé về việc cướp người yêu. Ngọc Anh có nhiệm vụ quay video lại. 

Thấy điện thoại của Hà Anh, Thảo mở ra và phát hiện ảnh bán khoả thân của Hà Anh tự chụp nên gửi ảnh vào máy Ngọc Anh rồi bỏ về. 

Tối cùng ngày, Thảo đăng ảnh, video của Hà Anh lên các trang mạng xã hội, còn Khang và Ngọc Anh chia sẻ, bình luận nhiều để tăng tương tác. Video này thu hút hơn 6.000 lượt chia sẻ. Hành vi đã khiến Hà Anh bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. 

Một phiên toà giả định diễn ra tại Trường THCS Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội)

Tại phiên toà giả định, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời cho biết, khi quay vieo và tích cực chia sẻ trên mạng, các bị cáo không biết đó là vi phạm pháp luật mà chỉ nghĩ là đánh ghen giúp bạn cho bõ tức. Hậu quả là các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Làm nhục người khác” theo điều 155 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hội đồng xét xử cho biết, hình ảnh cá nhân của một người được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó. Các bị cáo đã dùng gậy đánh bạn, dùng lời lẽ lăng nhục bạn rồi quay video lại, tung ảnh nhạy cảm của bạn lên mạng để bêu xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn.

Phiên toà giả định tuyên phạt các bị cáo theo đúng tội danh đã truy tố nhưng cho hưởng án treo. Trong thời gian bị án treo, nếu bị cáo tiếp tục phạm tội thì án treo sẽ thành án tù giam cộng với mức hình phạt của tội mới.

Theo dõi toàn bộ phiên toà hồi cuối tháng 8 năm nay, em Phạm Nguyễn Thanh Tùng, học sinh trường THCS Mai Đình cho biết, phiên toà giả định có nhiều ý nghĩa. Cách truyền thông mới mẻ này giúp em hiểu được tầm quan trọng của phòng chống bạo lực và xâm hại học đường, đồng thời có thêm kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại.

Em Nguyễn Phương Nhi, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Mai Đình cũng chia sẻ, sau chương trình, em thấy thích thú và hiểu được rõ các quy định của pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. 

Là “diễn viên” vào vai bị cáo trong phiên toà giả định, em Trần Hải Long, đoàn thanh niên phường Xuân Đỉnh cho biết, thông qua phiên toà giả định, các em học sinh sẽ trực tiếp nhìn thấy hậu quả nhãn tiền của hành vi vi phạm pháp luật, từ đó có sức răn đe, phòng ngừa chung. 

Bà Lê Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Đỉnh chia sẻ: Phiên toà giả định là phương pháp tuyên truyền mới, thiết thực và ý nghĩa đối với các em học sinh. Qua quan sát, các em rất chú ý lắng nghe, sau đó, kết thúc phiên toà, các em đặt câu hỏi về pháp luật đối với các luật sư và chuyên viên pháp lý tại hội nghị, cho thấy các em rất quan tâm đến vấn đề này. 

“Trước đây, Hội Phụ nữ thường mời các báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền đến hàng nghìn học sinh tại các trường học. Ở các buổi tuyên truyền, học sinh có sự tương tác, nhưng không nhiều. Cách truyền thông bằng phiên toà giả định giúp các em được đóng vai, tiếp thu và tìm hiểu pháp luật rõ ràng, chi tiết hơn đối với các vấn đề liên quan đến các em, trong đó có vấn đề bắt nạt trên mạng xã hội, tung clip nhạy cảm và làm nhục bạn lên mạng xã hội mà các em nghĩ chỉ là ‘dằn mặt’ nhau chứ không phải là vi phạm pháp luật” - bà Lý cho biết.

Được biết, năm nay, Hội LHPN TP Hà Nội đã tổ chức được 5 phiên tòa giả định tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Ba Vì. Đây là một hoạt động hiệu quả, giúp học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giúp các em hiểu và có cách xử sự phù hợp, đúng quy định pháp luật khi đối mặt với những mâu thuẫn trong cuộc sống, trong học đường. 

Văn Bắc và nhóm PV, BTV