Trung Quốc có một lịch sử lâu đời trong việc trọng nam khinh nữ, cả trong cuộc sống hàng ngày lẫn trong nền giáo dục của họ. Nhưng khi các nữ sinh bắt đầu có thành tích tốt hơn nam sinh ở trường học, câu hỏi "tại sao" bắt đầu được đặt ra.
Dưới đây là bài viết của tác giả Gu Xiaorong bàn về vấn đề này.
Học sinh trong ngày đầu tiên tới trường tại một trường tiểu học ở Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 1/9/2020. Ảnh: People Visual |
Vào năm 2014, khi thực hiện nghiên cứu thực địa ở Thâm Quyến, tôi đã chứng kiến một cuộc tranh luận gay gắt trên một diễn đàn phụ huynh-giáo viên về vấn đề chênh lệch giới tính trong giáo dục Trung Quốc.
Trong suốt cuộc tranh luận, có một cụm từ mà những người tham gia liên tục nhắc tới là: yinsheng yangshuai, nghĩa là “tính âm” (nữ giới) đang hưng thịnh, trong khi “tính dương” (nam giới) đang suy thoái. Nói ngắn gọn hơn, họ lo lắng rằng các chàng trai Trung Quốc đang bị tụt lại phía sau - hoặc tệ hơn là bị bỏ lại phía sau - bởi hệ thống giáo dục hiện nay.
Việc học tập của các nam sinh Trung Quốc là vấn đề đã được công chúng quan tâm, ít nhất kể từ năm 2010. Năm đó, cuốn sách gây tranh cãi “Save Our Boys” (Tạm dịch: Cứu lấy những chàng trai) cảnh báo: “20 năm trước, trường học được coi là thế giới của các cậu bé.
Nam sinh có lợi thế vượt trội về mọi mặt, cả ở đại học và tiểu học. Tuy nhiên, tình thế ngày nay đã khác. Điểm số của các nữ sinh đang cải thiện với tốc độ nhanh chóng, trong khi điểm số của nam sinh ngày càng trở thành một vấn đề đáng lo ngại”.
Nhưng có bằng chứng nào cho thấy “âm thịnh dương suy” trong các ngôi trường ở Trung Quốc không? Câu trả lời, đúng là các cô gái Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng học tập.
Trong một nghiên cứu do Giáo sư Wei-jun Jean Yeung và tôi thực hiện, chúng tôi nhận thấy rằng vào năm 2010, các bé gái vượt trội hơn hẳn so với các bé trai ở môn ngôn ngữ và văn học Trung Quốc. Thành tích của các nữ sinh ở môn toán cũng xấp xỉ với các nam sinh. Đến năm 2014, họ đã vượt qua các nam sinh với một khoảng cách lớn trong cả hai môn.
Nhưng hiện tượng này không phải chỉ có ở Trung Quốc. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, kể từ những năm 1990, ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, các nữ sinh đã bỏ xa các bạn nam của mình. Xu hướng này, xuất hiện đầu tiên ở các nước có nền công nghiệp phát triển và hiện là ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh Trung Quốc, kết quả học tập tốt hơn của các nữ sinh không phải do hệ thống giáo dục theo định hướng thi cử - nơi mà trẻ em gái được coi là có lợi thế trong việc học thuộc lòng - vốn đã tồn tại từ lâu mà là do sự biến đổi không ngừng của các gia đình Trung Quốc.
Theo truyền thống, các gia đình Trung Quốc coi con gái là “nước đổ đi”, vì một ngày nào đó họ sẽ bị gả vào nhà khác, còn con trai là chìa khóa cho tương lai của gia đình. Nhờ vậy, trẻ em nam được hỗ trợ tối đa trong học tập. Việc học hành của các em luôn được ưu tiên hơn so với chị em.
Nhưng trong 40 năm qua, ảnh hưởng của cấu trúc gia đình truyền thống đã lùi xa. Sự phát triển của các giá trị xã hội cùng với ảnh hưởng của chính sách một con - khiến nhiều gia đình giờ đây chỉ có con gái mà không có con trai - đồng nghĩa với việc phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội giáo dục, ít nhất là ở khu vực thành thị.
Ngày nay, khoảng cách giới với cơ hội học tập về cơ bản đã được xóa bỏ. Những bà mẹ chúng tôi phỏng vấn tin rằng các gia đình nên hỗ trợ việc học hành của con cái không phân biệt giới tính.
Ở những gia đình thành thị chỉ có con gái, việc một gia đình đầu tư mọi thứ vào việc học của con cái đã trở nên phổ biến, giống như họ đã từng đặt cược tất cả vào một cậu con trai đầy triển vọng. Ngay cả ở các vùng nông thôn, trẻ em gái hiện nhận được sự quan tâm tích cực từ người lớn tuổi nếu đạt điểm cao trong các kỳ thi, một sự khác biệt rõ rệt so với thế hệ mẹ và bà của họ.
Nói tóm lại, việc giáo dục con gái giờ đây là yếu tố quan trọng đối với tương lai của gia đình, dẫn đến sự bình đẳng giới cao hơn trong giáo dục ở Trung Quốc. Thậm chí, các cô gái hiện được coi là một sự đặt cược an toàn hơn.
Dữ liệu khảo sát dài hạn cho thấy các cô gái kỷ luật hơn, dành nhiều thời gian hơn cho việc học và có nhiều khả năng đảm nhận vai trò lãnh đạo hơn so với các bạn nam. Các bậc cha mẹ và giáo viên cũng đồng ý rằng con gái trưởng thành, ngoan ngoãn và chăm chỉ hơn con trai.
Xét về khía cạnh khoa học, nếu các bé gái nhận được sự giáo dục tốt và tự trưởng thành sớm ngay từ thời thơ ấu sẽ thành công hơn nhiều so với những đứa trẻ nhận được nền tảng giáo dục hay có sự trưởng thành muộn hơn. Đó cũng là một lời giải thích phức tạp hơn nhiều so với niềm tin phổ biến rằng các cô gái “bẩm sinh” đã thích nghi tốt hơn với nền giáo dục mang định hướng thi cử.
Nhưng trong một hệ thống giáo dục ngày càng cạnh tranh của Trung Quốc, các nữ sinh muốn duy trì lợi thế của mình so với các bạn nam cần phải có tính tự giác và sự trưởng thành sớm. Theo nghĩa này, cái gọi là “lợi thế” của các cô gái có thể trở thành một gánh nặng tâm lý.
Nhưng xét cho cùng, việc đóng khung thành tích của học sinh qua lăng kính âm dương tự nó là một dấu hiệu cho thấy tư duy gia trưởng vẫn tiếp tục tồn tại. Theo truyền thống Trung Quốc, “Yin” là một phẩm chất nữ tính thường gắn liền với sự lạnh lùng, bóng tối, đa cảm và cái chết. “Yang”, nam tính, đại diện cho sự ấm áp, ánh sáng và hợp lý.
Theo nghĩa này, những lo ngại về "âm thịnh dương suy" có thể được coi là dấu hiệu cho một nỗi sợ hãi sâu xa hơn: sự hủy diệt tiềm tàng của trật tự xã hội trọng nam.
Nguyễn Thảo (Theo Sixth Tone)
Cha mẹ bỏ con gái 13 tuổi trên đảo hoang để 'dạy cho một bài học'
Một cô bé "nổi loạn" 13 tuổi, người Trung Quốc đã bị cha mẹ vứt bỏ trên đảo hoang như một cách dạy cho con một bài học.