Video: Anh Nhẩn múa hát, pha trò trong lúc chăm sóc bố khiến cộng đồng mạng xúc động

Tai họa bất ngờ

Hai tháng trước, ông Lâm Văn Thớt (70 tuổi, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) cảm thấy người mệt mỏi, tê tay chân. Sau đó, ông bất tỉnh và được các con đưa vào bệnh viện.

Tại đây, anh Lâm Trung Nhẩn (33 tuổi, con trai ông Thớt) được biết, ông Thớt bị tai biến mạch máu não cần phẫu thuật gấp. Sau thời gian phẫu thuật, ông Thớt nằm mê man ở phòng hồi sức.

Đến ngày thứ ba, ông bất ngờ mở mắt, cử động được tay chân. Dù vậy, trí não chưa hồi phục nên ông chưa nhận ra người thân của mình. Không thể nói chuyện, bị cơn đau hành hạ, nước mắt ông chảy dài.

10 ngày sau, ông Thớt xuất viện trong tình trạng có thể sẽ không còn nói chuyện được. Việc đi lại của ông cũng sẽ rất lâu mới phục hồi.

cham-soc-cha-benh-1.jpg
Anh Nhẩn thường xuyên trò chuyện một cách hài hước để giúp bố vui vẻ, lạc quan. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước khi bị bệnh, ông Thớt là người ít nói. Trong các bữa cơm gia đình, anh Nhẩn thường tạo không khí tươi vui bằng cách kể chuyện hài, pha trò khiến cha bật cười.

Từ đó, cha anh trở nên vui vẻ, thường xuyên chuyện trò, đùa vui với con cháu. Ông còn yêu văn nghệ, thích đờn ca tài tử. Khi bị bệnh, không thể đi lại, nói cười, ông rất đau lòng.

Thấu hiểu nỗi buồn của cha, anh Nhẩn quyết tâm giúp ông vượt qua bạo bệnh. Gia đình anh Nhẩn thuê bác sĩ đến tập vật lý trị liệu, châm cứu cho bố.

Khi bác sĩ đến, anh Nhẩn hỗ trợ nhấc tay chân, đỡ bố đứng dậy. Anh nói chuyện, pha trò, thậm chí múa, hát để chọc cười giúp ông Thớt tạm quên đi cơn đau vì chân tay ông đã có cảm giác trở lại.

Ông Thớt tập xong, anh Nhẩn đưa đi tắm. Sau đó, anh lại trò chuyện, pha trò để cha vui vẻ.

cham-soc-cha-benh-.png
Dù chưa nói được thành câu dài, ông Thớt bắt đầu hưởng ứng các trò vui của con trai bằng cách đưa tay, gật đầu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Nhẩn chia sẻ: “Tôi buôn bán nên bận lắm. Dù vậy, tôi cố gắng dành thời gian chăm sóc cha. Những ngày còn nằm viện, cha chỉ nhìn tôi rơi nước mắt.

Khi cha về nhà, tôi cố gắng trò chuyện, pha trò cho cha vui để ông quên đi cơn đau, nỗi buồn bệnh tật. Nhờ vậy, mấy hôm nay, bệnh tình cha tiến triển vượt bậc.

Cha có thể nhấc chân tay, nói được một số từ, câu ngắn. Buổi tối, tôi lên giường nằm cùng, cha có thể kéo chăn đắp cho tôi.

Cha còn vỗ vào lưng tôi nói: 'Tốt! Tốt'. Thấy việc đùa vui, tạo không khí khiến cha vui, giúp bệnh tình chuyển biến tích cực nên tôi càng nỗ lực, làm đủ trò để ông sớm hồi phục, vượt qua bệnh tật”.

"Cha mẹ chỉ có một"

Trước đây, anh Nhẩn ít khi chia sẻ các video về cuộc sống gia đình lên mạng xã hội. Gần đây, anh quyết định đăng tải những đoạn clip mình chăm sóc bố theo cách đặc biệt lên trang mạng cá nhân.

Mục đích của anh là lưu giữ, lan tỏa những khoảnh khắc vui vẻ, lạc quan của 2 cha con trong quá trình điều trị bệnh. Anh rất bất ngờ khi các đoạn clip khiến cộng đồng mạng xúc động, để lại nhiều bình luận tích cực.

cham-soc-cha-benh-3.jpg
Cách chăm sóc bệnh đặc biệt của anh Nhẩn đem lại kết quả tốt cho ông Thớt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những ngày qua, anh Nhẩn thường bắt đầu một ngày mới bằng công việc dậy mua đồ ăn sáng, về đút cho cha rồi ra chợ bán hàng. Trưa về, anh tắm cho ông Thớt rồi đẩy ông trên xe lăn đi dạo quanh xóm.

Sau giờ làm việc buổi chiều, anh về nhà ăn cơm cùng gia đình. Trong lúc anh đi làm, các chị gái đảm nhiệm phần việc chăm sóc ông Thớt.

Anh Nhẩn tâm sự: “Cha nuôi lớn chúng tôi bằng nghề giăng lưới. 2-3h sáng, cha đã dậy nấu cơm rồi ra sông chài lưới, đánh cá đem về cho mẹ kịp bán chợ sáng. Mỗi lần về, cha thường ướt sũng, người run bần bật vì lạnh.

Lớn lên, chúng tôi có gia đình riêng. Lúc này, cha mẹ chỉ khát khao những bữa cơm gia đình có đủ mặt con cháu.

cham-soc-cha-benh-4.jpg
Anh Nhẩn cho rằng cái gì mất đi cũng có thể mua lại, tìm lại nhưng cha mẹ chỉ có một. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi ở cùng cha mẹ. Nhưng 2 năm nay, tôi thường ở lại, nấu cơm ăn cùng nhân viên tại điểm kinh doanh nên ít về nhà. Đến lúc này, tôi thấy tiếc khoảng thời gian gia đình đoàn tụ, cùng cha mẹ quây quần bên mâm cơm.

Tôi nghĩ cái gì mất đi cũng có thể mua lại, tìm lại nhưng cha mẹ chỉ có một. Cha mẹ lớn tuổi, thời gian bên mình càng ít dần đi. Vì vậy, tôi trân quý từng phút giây bên cha mẹ. Từ nay, ngày nào tôi cũng sẽ về ăn cơm cùng bố mẹ”.