"Năm 1989, thế giới cũng đang thiếu gạo cho nên việc VN đột ngột từ nước "nhập" thành "xuất" đã trở thành một sự kiện nổi bật"- ông Võ Tòng Xuân nhớ lại.
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, VN là quốc gia xuất khẩu gạo lớn của châu Á cùng với Miến Điện (ngày nay là Myanmar). Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh lớn kéo dài, VN lại trở thành nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, từ 500.000 đến 1 triệu tấn/năm.Năm 1989, sau hơn nửa thế kỷ nhập khẩu gạo, VN trở lại xuất khẩu gạo vô cùng ấn tượng với con số "mở hàng" (số liệu chính thức) 1,4 triệu tấn. Và cho đến nay, hàng năm VN vẫn duy trì khả năng xuất khẩu đạt từ 3 - 4 triệu tấn gạo và giữ vững ngôi vị "cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 của thế giới".
Song, sau 25 năm, giờ là lúc chúng ta rất cần có một cái nhìn tương đối toàn diện, tổng thể những gì đã làm được và những gì chưa. Với lý do đó, Tuần Việt Nam tổ chức Bàn tròn Một phần tư thế kỷ VN xuất khẩu lúa gạo, với sự tham gia của các khách mời:
- GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học, Hiệu trưởng ĐH Tây Đô, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV; nguyên phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, nguyên hiệu trưởng ĐH An Giang, ĐH Tân Tạo.
- PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp, nguyên hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý NN - PTNT;
- Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Từ trái qua phải: ông Nguyễn Minh Nhị, PGS.TS Vũ Trọng Khải; GS.TS Võ Tòng Xuân. Ảnh: Duy Chiến |
Bài 1: Chậm cởi trói, cái giá phải trả rất đắt
Mốc lịch sử của lúa gạo VN
Thưa các vị diễn giả, nhìn lại chặng đường dài 25 năm xuất khẩu gạo, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến thời điểm lịch sử năm 1989, năm đầu tiên chúng ta xuất khẩu gạo trở lại sau hơn 50 năm "đứt đoạn". Số liệu chính thức công bố năm 1989 ta xuất 1,4 triệu tấn gạo đem về 310 triệu USD. Trong khi năm trước đó 1988 VN vẫn còn phải nhập gần 500.000 tấn gạo, trước đó nữa có năm phải nhập kỷ lục gần 1 triệu tấn.
GS.TS Võ Tòng Xuân: Khi ấy, thế giới cũng đang thiếu gạo cho nên việc VN đột ngột từ nước "nhập" thành "xuất" đã trở thành một sự kiện nổi bật. Tôi còn nhớ, sau năm 1989, Hiệp hội xay xát lúa gạo của Mỹ đã mời tôi qua tham dự cuộc họp tại Florida để trình bày tham luận về lý do giúp VN chỉ "qua một đêm" đã thay đổi kỳ diệu như vậy. Rất nhiều nhà kinh doanh gạo quốc tế có mặt, họ tìm hiểu rất kỹ khả năng cộng tác với VN để đưa gạo VN ra thương trường quốc tế.
Lý thú nhất là họ đưa tôi đến thăm đại bản doanh tại Washington, cho vào phòng kỹ thuật có 30 máy telex gõ lách cách cả ngày cả đêm. Người hướng dẫn cho biết, tại căn phòng này họ tiếp nhận tất cả thông tin về số lượng tàu chở gạo giao dịch khắp các châu lục trên thế giới. Từng tàu chở bao nhiều tấn, xuất phát từ cảng nào đến đâu họ đều cập nhật. Họ cho biết năm 1989 VN xuất khẩu tới 1,89 triệu tấn, chứ không phải 1,4 triệu tấn.
Ngành SX lương thực thế giới ghi nhận việc VN xuất khẩu gạo năm 1989 là sự kiện lớn được thế giới chú ý. Công ty kinh doanh gạo hàng đầu thế giới Schepens của Bỉ ở châu Âu cũng mời tôi qua trụ sở của họ. Đây là công ty có 3 đời kinh doanh gạo, họ rất quan tâm và muốn làm ăn lâu dài với VN mình....
TS. Vũ Trọng Khải: Tôi đánh giá việc VN xuất khẩu gạo trở lại là thành công lớn xuất phát từ chính sách "cởi trói" bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988 với thay đổi lớn là công nhận "Hộ nông dân là đơn vị tự chủ".
Trước đó ta cứ loay hoay mãi với nạn thiếu và đói. Không chỉ phải nhập gạo, tình hình khó khăn tới mức ta phải lấy gạo làm ra ở ĐBSCL bán đi để nhập tấm về nhiều, ăn cho rẻ. Tình hình cuối những năm 1980 bí bách như thế đấy.
Việc thay đổi chính sách đã cho ra kết quả kỳ diệu cho thấy, tiềm lực nền nông nghiệp của ta đủ nuôi sống cả dân tộc và có dư để xuất khẩu. Đó là chưa cần tác động tác động mới để nâng cao năng lực SX. Khi được "cởi trói" nó đã thể hiện rất rõ.
Giờ thì có xót xa đến mấy thì cũng đã lỡ rồi. Vì cái đói của cả nước, vì chậm "cởi trói" kịp thời mà ta phải đầu tư rất lớn khai phá và phá huỷ môi trường sinh thái tự nhiên quý hiếm. Cái giá chúng ta phải trả cho việc này rất đắt. |
Nhưng thật sự, nếu chúng ta "cởi trói" sớm hơn thì đâu phải đầu tư tốn kém để biến Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên thành vựa lúa khiến ảnh hưởng tới môi trường sinh thái tự nhiên. Các chuyên gia Hà Lan đã khuyến cáo chúng ta rằng "Hãy giữ lấy sinh thái tự nhiên quý giá của ĐBSCL rồi sau đó phát huy nó, trước hết là du lịch".
Giờ thì có xót xa đến mấy thì cũng đã lỡ rồi. Vì cái đói của cả nước, vì chậm "cởi trói" kịp thời mà ta phải đầu tư rất lớn khai phá và phá huỷ môi trường sinh thái tự nhiên quý hiếm. Cái giá chúng ta phải trả cho việc này rất đắt.
Ông Nguyễn Minh Nhị: Cái được thì không phải bàn cãi, có ý nghĩa rất lớn trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu đói kéo dài suốt 10 năm trời. Năm 1986, nhờ Đổi mới để đến năm 1989 có đủ gạo ăn rồi xuất khẩu, từ đó sản lượng xuất khẩu tăng liên tục theo đà "năm sau cao hơn năm trước".
Tuy nhiên cái chưa được không hề nhỏ. Với thành tựu đạt được, có lúc chúng ta đã quá hào hứng, đến mức từng có lãnh đạo Bộ NN - PTNT tuyên bố: "VN giữ vững an ninh lương thực cho thế giới!". Trong khi đó, càng về sau ý nghĩa của việc xuất khẩu gạo, "cường quốc xuất khẩu gạo" càng không cao, nhất là chất lượng xuất khẩu, giá và lãi, không tương xứng với sản lượng. Đây là điều vô cùng quan trọng thì chúng ta đã lơ là, không nhận ra. Nông dân càng làm ra nhiều lúa gạo hiệu quả lại càng thấp.
Từ 1989, VN xuất khẩu lúa gạo trở lại. Ảnh minh họa |
VN giữ an ninh lương thực cho thế giới?
Theo tôi được biết, dư luận cũng từng băn khoăn không biết tại sao VN ta lại phải có trách nhiệm "giữ an ninh lương thực cho thế giới", trong khi nông dân - những người trực tiếp làm ra hạt lúa xuất khẩu thì bị lỗ, thiệt thòi và khốn khổ trăm bề mà chẳng thấy "thế giới" bù đắp lại phần nào?
GS.TS Vũ Trọng Khải: Theo tôi được biết, Nhà nước ta không có cam kết nào như vậy cả, chúng ta không có bổn phận hay ràng buộc với việc "giữ an ninh lương thực cho thế giới". Tôi biết khi nghe phát biểu như thế, cựu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ đã nói: "Đừng bắt nông dân hy sinh một cách vô nghĩa"![1].
Thế giới không ai bắt VN ta phải có "trách nhiệm" đó, cũng như không ai ghi nhận "công lao" xuất khẩu nhiều, giá rẻ cả của ta.
GS.TS Võ Tòng Xuân: Quả thật ¼ thế kỷ qua nông dân ta làm ra nhiều lúa gạo, bán rẻ giúp người tiêu dùng trên thế giới. Nhờ gạo VN mà họ được ăn gạo ngon, giá thấp. Tuy nhiên đó là do chiến lược phát triển, quản lý, điều hành SX NN của chúng ta kém chứ không phải do ta cố ý "giúp" thế giới. Còn bản thân người làm ra hạt gạo của ta đến nay vẫn chưa được đối xử thỏa đáng khi họ tham gia vào nhiệm vụ này.
Ông Nguyễn Minh Nhị: Đây là vấn đề khoa học quản lý kinh tế chứ không phải lập trường, đạo đức mơ hồ chung chung được.
- Nhân đây xin hỏi GS Võ Tòng Xuân, có ý kiến cho rằng, ta bán gạo với giá như hiện nay không chỉ là đang "giúp" thiên hạ không công mà Nhà nước ta còn bao cấp cho khách hàng mua gạo của ta. Xin GS hãy giải thích rõ hơn nội dung này?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Giá gạo của chúng ta hiện nay chưa tính đúng tính đủ các chi phí tối thiểu. Trong tương lai, giá lúa phải được tính đủ các chi phí, nhất là phí khấu hao công trình thủy lợi và phí giao thông như các nước. Nông dân trồng lúa phải trả tiền chi phí khối lượng nước đã dùng. Đây là một sự điều chỉnh quan trọng, chấm dứt thời kỳ nhà nước bao cấp cho những khách hàng mua gạo Việt Nam. Vì như cơ cấu giá như lâu nay thì họ đã được miễn tính chi phí nước vào giá gạo.
Khi làm như vậy, nông dân sẽ bán gạo giá cao, như bên Thái Lan đang thực hiện, và Nhà nước sẽ thu tiền nước để tài trợ lại tiền mua gạo của 20% dân số không làm ruộng. Nếu có được quyết tâm chính trị để thực hiện chiến lược trên đây, cây lúa Việt Nam sẽ được trả lại đúng giá trị và không bị bấp bênh nữa.
(Còn nữa)
Duy Chiến
Mời độc giả theo dõi tiếp Phần 2 bàn tròn, xoay quanh vấn đề tại sao đời sống người trồng lúa vẫn quá khó khăn, bấp bênh? Nguyên nhân nào từ khía cạnh chính sách?
------
[1]: Tháng 11/2013, Bộ trưởng NN&PTNT khi trả lời chất vấn Quốc hội đã khẳng định: "Cây lúa là lợi thế, là sự sàng lọc của lịch sử. Không phải Việt Nam sản xuất nhiều gạo để bảo đảm an ninh lương thực thế giới mà vì chính chúng ta", Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời trong phiên chất vấn chiều 23/11. ('VN không gánh trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực thế giới', VnExpress, 23/11/2011).
Xem thêm phỏng vấn với ông Nguyễn Minh Nhị:
'Tôi sợ sự giả dối truyền đến đời con cháu' "Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, giả dối này ghê gớm lắm. Tôi sợ nhất là nó truyền đời đến con cháu", nguyên Chủ tịch An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị chia sẻ. Không cần đâu xa, hãy học Campuchia, Myanmar "Nếu chịu làm cũng không khó. Không cần đi xa, hãy qua Campuchia, Myanmar sẽ thấy", Nguyên Chủ tịch An Giang Nguyễn Minh Nhị nói. |