Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo. Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết trong điều kiện có nhiều thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa các quốc gia, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, đã ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn.
Trong bối cảnh đó, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động. Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Điểm sáng trong nhiệm kỳ đó là việc tích cực, chủ động, đổi mới trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật với trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hoạt động công đoàn. Phát huy vai trò, trách nhiệm trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ quan dân cử, nhất là Hội đồng Tiền lương Quốc gia, 5 năm qua đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%.
Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới với 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp đã được ký mới, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở; có 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.
Hoạt động tư vấn pháp luật được đẩy mạnh với 333.267 vụ tư vấn cho 1.135.199 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho 12.369 người; trong đó hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ tại tòa án cho 7.705 người lao động; đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 4.664 người, giúp người lao động nhận lại hoặc được bồi thường hơn 64 tỷ đồng. Tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 - 2018.
Công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng được quan tâm với 27.111 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh lao động, với 276.137 an toàn, vệ sinh viên; có gần 100.000 công trình, sáng kiến, đề tài liên quan đến an toàn vệ sinh lao động được thực hiện. Coi trọng công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Trong nhiệm kỳ đã kiểm tra 890.432 cuộc, giám sát 166.263 cuộc, hơn 27 nghìn người được giải quyết về các chế độ, chính sách với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 113 tỷ đồng.
Các cấp công đoàn đã thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát các chế độ chính sách cho người lao động như: 100% người lao động đều có hợp đồng lao động, mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, khám sức khỏe theo qui định...
Bước sang năm 2024, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, năm đầu tiên triển khai nghị quyết đại hội công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028. Các cấp công đoàn đang tập trung đưa nghị quyết vào cuộc sống bằng nhiều hoạt động, mô hình, cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, mang lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, cho người lao động.