Để đưa đất nước phát triển, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, “phải đổi mới, đổi mới là con đường duy nhất. Cần phải thoáng mở đầu óc, thoáng mở tư duy và quyết tâm cao trong hành động. Lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội là có tội với tiền nhân, với hậu thế”.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu phần cuối tọa đàm với ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng và bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển xã hội quanh chủ đề chính sách quốc gia và hạnh phúc của người dân.
>> Kỳ 1: Ba mươi năm qua láng giềng vượt xa ta quá
Không lấy dân làm trung tâm, chủ trương dễ chết yểu
Nhà báo Thu Hà: Có thể thấy người đứng đầu đóng vai trò quan trọng, bên cạnh năng lực quản lý họ còn phải có bản lĩnh chính trị rất cao. Thưa ông Vũ Ngọc Hoàng, từng đảm nhiệm trọng trách đứng đầu Quảng Nam, khi triển khai một chính sách, một chủ trương tại địa phương, điều đầu tiên ông nghĩ đến là gì?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chúng tôi nghĩ tới người dân trước nhất.
Hồi còn công tác ở Quảng Nam, khi lựa chọn Hội An là một trọng điểm du lịch, chúng tôi đã nghĩ tới lợi ích của người dân trước tiên. Đồng thời, tại đó, cộng đồng dân cư tại thành phố Hội An có năng lực tư duy và hoạt động văn hóa du lịch, lại có một số cán bộ giỏi, nhất là cán bộ chủ chốt của Hội An. Không chỉ giỏi mà còn tâm huyết.
Chúng tôi đã phân tích, lắng nghe và đối chứng với thực tiễn để đưa ra quyết định lấy Hội An làm trọng điểm phát triển du lịch, kiên quyết không đưa các dự án công nghiệp mà làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch.
Từ thực tế Hội An, chúng tôi tiếp tục lắng nghe và học kinh nghiệm từ chính người dân, rồi từ các tỉnh ngoài. Để rồi từ đó đi đến chủ trương thúc đẩy du lịch thành một ngành quan trọng hàng đầu của Quảng Nam.
Đó là chuyện đã lâu. Tôi đi khỏi Quảng Nam cũng đã lâu rồi, và đến giờ các anh em ở Hội An và ở Quảng Nam vẫn làm tốt, được nhân dân ủng hộ.
Lựa chọn du lịch làm mục tiêu phát triển cũng có một ý nữa là tạo điều kiện để người dân được tiếp biến với nhiều nền văn hóa. Nhờ tiếp biến với nhiều nền văn hóa mà con người có thể ngày càng hoàn thiện. Tức là thu được lợi cả về kinh tế, xã hội và văn hóa nữa.
Tóm lại, mọi quyết định chủ trương rất cần phải xuất phát từ cuộc sống, phải lấy người dân làm trung tâm, đưa cuộc sống vào nghị quyết để sau đó có thể triển khai nghị quyết trong đời sống.
Về thăm Quảng Nam lần cuối khi đã ngoài 90, đồng chí Võ Chí Công sau khi nghe chúng tôi đọc báo cáo tóm tắt nhiều việc đã làm được và kế hoạch sắp tới của Quảng Nam, thì đồng chí Võ Chí Công nói thế này:
“Nghe báo cáo thì các đồng chí nói đã làm được nhiều việc, tôi rất phấn khởi. Nhưng đó mới là nghe từ phía các đồng chí, nghe chúng ta nói với nhau. Hãy lắng nghe từ phía người dân, nghe xem người dân nói thế nào về những việc đã qua. Các đồng chí có nhiều kế hoạch sắp tới như vậy, có nhiều quyết tâm như vậy cũng mừng, nhưng phải chú ý xem kỹ người dân sẽ ở đâu trong các kế hoạch sắp tới. Đó mới là chuyện quan trọng nhất.”
Quản lý không phải để thể hiện tôi là người nắm quyền
Nhà báo Thu Hà: Là người lãnh trách nhiệm thu thập, ghi nhận các ý kiến của người dân, thưa bà Khuất Thu Hồng, liệu rằng người dân chúng ta đang chờ đợi, đang mong mỏi gì từ những người lãnh đạo, từ các chính sách quốc gia?
Hiện nay, người dân đang chờ đợi, mong mỏi rất nhiều từ các cấp lãnh đạo. Họ mong có thể thay đổi cuộc sống tốt hơn, mong giảm thiểu tham nhũng, bất công, nhũng nhiễu của một số lãnh đạo địa phương. Không chỉ có phàn nàn, kêu ca, người dân cũng luôn sẵn sàng đề đạt, đề xuất ý kiến.
Tôi muốn trở lại câu hỏi là làm sao để chính sách đến được với người dân, làm sao để chính sách quốc gia có thể sớm đi vào cuộc sống, làm sao để khi triển khai thì phù hợp với thực tế và thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp. Ông Hoàng nói rất đúng, khoa học xã hội của chúng ta vẫn còn rất sơ khai và nhiều khi các chính sách đưa ra bị trật so với thực tế, khó đi vào cuộc sống.
Thông thường ở bất kỳ quốc gia nào khi xây dựng chính sách cũng cần nghe người dân trước, sau đó mới bắt tay hoạch định, thử nghiệm một thời gian và lắng nghe phản hồi của người dân. Sau đó mới áp dụng đại trà vào thực tiễn.
"Nếu không làm và không tin mãi, nếu cứ luẩn quẩn, loanh quanh cái bẫy thu nhập trung bình thì thiên hạ còn vượt xa ta gấp nhiều lần hiện nay", ông Vũ Ngọc Hoàng. |
Câu chuyện của ông Hoàng và bác Võ Chí Công về việc người dân nghĩ gì với chính sách chính là câu chuyện của nghiên cứu khoa học xã hội.
Mới đây thôi, việc nông dân phản ứng bằng cách đổ sữa ra đường cũng là một ví dụ. Rõ ràng, để có lượng sữa như vậy họ đã phải mất rất nhiều công sức, chẳng dễ gì lại có thể đổ, vứt đi như vậy. Tôi thấy xót xa vô cùng.
Câu chuyện kinh tế thị trường và vai trò chủ quản cần phải được tính toán ra làm sao? Đó còn là câu chuyện của các nhóm lợi ích đang chi phối chính sách quốc gia. Rõ ràng, nếu để cho thị trường phát triển hoàn chỉnh thì có hay không chuyện người dân vì bực mình với doanh nghiệp thu mua mà phải đổ sữa ra đường.
Đổi mới nền kinh tế là phải đổi mới từ những câu chuyện như vậy.
Nhà báo Thu Hà: Ông Hoàng từng có một câu nói nổi tiếng là “quản lý không phải để nắm quyền”. Giờ đây ngồi ở vị trí quản lý cấp cao hơn, ông có chia sẻ thì thêm về mối quan hệ giữa quyền lực và lợi ích? Theo ông, các chính sách quốc gia cần phải làm gì để người dân không phải đổ sữa ra đường thêm nữa?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi quản lý không có mục đích tự thân. Quản lý không phải để mà quản lý. Quản lý cũng không phải thể hiện tôi đây là người nắm quyền.
Quản lý là phải làm sao thúc đẩy sự phát triển, tạo ra sự phát triển, lấy sự phát triển tiến bộ, lấy hạnh phúc của người dân làm mục tiêu bám vào đó để mà làm chính sách và thực hành quản lý.
"Quản lý không phải để nắm quyền" |
Như trên đã nói, mục đích cuối cùng của quản lý chính là tạo ra sự phát triển, tạo ra chuyển đổi tích cực. Quản lý mà ngăn cản phát triển thì tốt hơn là không quản lý.
Lãng phí cơ hội, chậm phát triển là có tội
Nhà báo Thu Hà: Ông cha ta luôn căn dặn rằng, lãng phí tiềm năng, lãng phí cơ hội, láng phí thời gian là có tội. Nếu chúng ta cứ lần lữa mãi, chậm cải tiến, chậm đổi mới thì cũng là trách nhiệm của chính chúng ta có đúng không ạ?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Đúng. Thời gian là vốn, là lực lượng. Lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội là loại lãng phí bậc nhất. Nếu chậm đổi mới là có lỗi lớn.
Ngày nay với tốc độ hậu công nghiệp thì thời gian càng là lợi thế. Nếu chúng ta không gấp rút phát triển được con người, cứ để con người trở thành tác nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước thì đó là tự ta đã bỏ mất cơ hội, tự ta lãng phí thời gian. Marx nói rất rõ rằng, mọi sự tiết kiệm chung quy là tiết kiệm thời gian.
Không có gì phải bàn cãi. Nếu chúng ta lãng phí cơ hội, lãng phí tiềm năng thì có tội với tiền nhân, có tội với thế hệ sau.
"Nếu chúng ta không phát triển được, không tận dụng được tiềm năng, không tận dụng được cơ hội để phát triển lên rõ ràng là có tội với dân tộc", bà Khuất Thu Hồng. |
Bà Khuất Thu Hồng: Bây giờ chúng ta đang vay rất nhiều của thế hệ sau. Nếu chúng ta không phát triển được, không tận dụng được tiềm năng, không tận dụng được cơ hội để phát triển lên rõ ràng là có tội với dân tộc. Chúng ta nhìn thấy cơ hội mà không nắm bắt lấy thì tội sẽ rất lớn.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ thế hệ chúng ta hiện nay, về chính trị và văn hóa đã phải dựa vào các thế hệ trước rất nhiều. Còn về kinh tế chúng ta đang lạm vào thế hệ sau.
Chúng ta đang nợ thế hệ trước và nợ cả thế hệ sau, phải cố gắng rất nhiều để xứng đáng với thế hệ trước và tròn trách nhiệm với hậu thế.
Tư duy đóng thì không phát triển được
Nhà báo Thu Hà: Vậy chúng ta cần làm gì để sửa mình?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ là phải đổi mới, đổi mới là con đường duy nhất. Cần phải thoáng mở đầu óc, thoáng mở tư duy và quyết tâm cao trong hành động.
Chúng ta cần một tư duy thoáng mở cho sự phát triển bền vững, tư duy mà khép kín thì không phát triển được. Khoa học hệ thống cũng chứng minh như vậy. Hệ thống mà đóng kín là thoái hóa, hệ thống mở mới hoàn thiện và phát triển được. Cần có tư duy mở để đổi mới phát triển, để vượt qua khó khăn hiện nay.
Tôi một lần nữa muốn nhấn mạnh, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất.
Còn nữa là chuyện phải đổi mới việc sử dụng các nhân tài, lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân. Thực tế đất nước ta thời kỳ phong kiến đã chứng minh, khi tổ quốc lâm nguy thì nhân tài tụ về giúp nước, dưới cờ nghĩa. Tiếc rằng, khi gian khó qua đi, thái bình thống nhất thì nhân tài lại trôi dạt đi đâu mất và những kẻ cơ hội thừa cơ xông vào làm cho quốc gia điêu đứng, từng có vị thái tử, quân vương phải bỏ trốn khỏi cung đình vì sự lũng đoạn của bè nhóm gian thần. Trung ngôn thì nghịch nhĩ, ông bà ta đã nói như vậy. Người lãnh đạo phải “minh quân” mới có bản lĩnh và năng lực để nghe được những lời “nghịch nhĩ”.
Bài học của người xưa vẫn còn nguyên giá trị, là cảnh báo để chúng ta biết cách sử dụng, trọng dụng nhân tài góp sức xây dựng đất nước hưng thịnh.
"Chúng ta muốn đổi mới, chúng ta buộc phải mạnh dạn" |
Cuộc sống luôn có những câu hỏi hóc búa buộc chúng ta phải tìm lời giải, phải trả lời. Và trong chính cuộc sống bao giờ cũng manh nha những câu trả lời. Như vậy, chỉ có cách là lắng nghe cuộc sống, lắng nghe thực tiễn thì mới có thể tìm được lời giải. Tôi nghĩ cần phải huy động trí tuệ của người dân, phát huy dân chủ thực chất, lắng nghe phản biện rồi bàn. Phản biện là bắt đầu của khoa học, không có phản biện thì không có phát triển. Đó là con đường để chúng ta đi.
Bà Khuất Thu Hồng: Tôi đồng ý với ý kiến của ông Hoàng, cuối cùng thì vẫn là con người. Chúng ta có phát triển được hay không, chúng ta có đổi mới được hay không đó là câu chuyện con người.
Để con người phát huy được sáng tạo, để nhân tài xuất hiện thì phải thực hành dân chủ.
Có lẽ lúc này, lúc khác chúng ta đã quá cẩn trọng, quá máy móc và chính như vậy, chúng ta đã làm mất đi nhân tài, chúng ta khiến họ ngại ngần. Bởi vậy, nếu chúng ta tin vào con người, tin vào người dân, tin vào chính chúng ta thì sức mạnh cộng đồng, trí tuệ cộng đồng sẽ là chìa khóa thành công, sẽ là chìa khóa để giải phóng.
Chúng ta muốn đổi mới thì buộc phải mạnh dạn. Nếu cứ loanh quanh sợ mất cái này, mất cái kia thì chúng ta không biết năng lực của mình ở đâu cả, chúng ta không nhìn thấy tiềm năng rộng mở đến đâu, không nhìn thấy sức mạnh của người dân ở chỗ nào. Nếu không làm và không tin mãi, nếu cứ luẩn quẩn, loanh quanh cái bẫy thu nhập trung bình thì thiên hạ còn vượt xa ta gấp nhiều lần hiện nay.
Lịch sử đã chứng minh có những nước hàng trăm năm vẫn loanh quanh thu nhập trung bình và không thoát ra được. Như thế cả một dân tộc, một quốc gia mất đi nhuệ khí và rất khó để nói về phát triển.
Nhà báo Thu Hà: Thưa quý vị, vậy là trò chuyện cuối năm của Tuan Viet Nam đến đây là kết thúc. Một lần nữa cảm ơn hai vị khách mời, cảm ơn quý vị độc giả đã dành thời gian theo dõi.
Xin chúc quý vị một năm sức khỏe an lành và hạnh phúc.
Tuần Việt Nam - Ảnh: Lê Anh Dũng