Thực phẩm ăn liền Trung Quốc luôn là những sản phẩm mới lạ thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Xuất hiện đã lâu, chân gà cay ăn liền vẫn có sức hấp dẫn trong các bữa ăn vặt của các bạn trẻ.
Loại chân gà được đóng gói trong những túi chân không, và có thể sử dụng được ngay mà không phải chế biến gì thêm. Đặc biệt, loại chân gà này có thể để ở nhiệt độ thường, có thời hạn lên đến 9-12 tháng.
Song thời gian vừa qua, lực lượng chức năng trên cả nước liên tục thu giữ nhiều trường hợp thực phẩm không rõ nguồn gốc chất lượng, trong đó có sản phẩm chân gà ăn liền.
Đơn cử, vừa qua đội Quản lí thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang phối hợp cùng Trạm kiểm dịch bệnh Covid-19 thuộc địa bàn huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, kiểm tra xe ô tô khách mang biển số 23B-00376 do tài xế Hoàng Ngọc Túc, (1987, cư trú tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) điều khiển. Lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe vận chuyển 8.400 gói chân gà ăn liền, hơn 2.270 gói thuốc diệt cỏ, 220 kg củ tam thất khô. Trong đó, các gói chân gà ăn liền và thuốc diệt cỏ đều có nhãn mác chữ Trung Quốc.
Số lượng lớn chân gà ăn liền không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng tịch thu. Ảnh: Tổng cục QLTT |
Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa trên. Hiện đội QLTT số 9 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ theo quy định.
Hiện, những sản phẩm này đang được bày bán tràn ngập trên các trang mạng nhưng chưa qua kiểm nghiệm của cơ quan chức năng trong nước.
Theo các chuyên gia, các sản phẩm nhập lậu thường đi kèm mối nguy về an toàn thực phẩm, bởi không có căn cứ chứng minh sản phẩm đạt đủ các tiêu chuẩn nhập khẩu cũng như chất lượng sản phẩm.
Điều này cũng được PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội đồng tình. Ông cho biết, vốn dĩ chân gà là thực phẩm không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo đó, chân gà là bộ phận tiếp xúc rất nhiều môi trường bẩn, khả năng nhiễm bệnh cao, đặc biệt là bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nếu chế biến không đảm bảo sẽ gây bệnh cho người dùng.
"Nhất là với các sản phẩm chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng sẽ rất khó thẩm định được mức độ an toàn của sản phẩm. Bên cạnh đó về thành phần chế biến, liều lượng của những chất phụ gia và bảo quản cũng sẽ rất khó kiểm soát, không loại trừ nguy cơ sản phẩm có chất cấm dùng trong công nghiệp thực phẩm"- ông nói.
Do đó, với các sản phẩm không nhãn phụ, không gõ nguồn gốc chất lượng, người tiêu dùng nên thận trọng khi mua và sử dụng.
Theo Pháp luật TPHCM