Đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xín Mần cho biết khi chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, huyện luôn lựa chọn những con vật phù hợp với điều kiện địa hình, nguồn thức ăn và điều kiện của người dân. Hiệu quả kinh tế từ nuôi dê được đánh giá rất cao. Việc triển khai các dự án nuôi dê, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm đã tạo động lực giúp người dân an tâm sản xuất. Tới đây, huyện phấn đấu mở rộng thêm nhiều mô hình chăn nuôi dê, giúp người dân nghèo chủ động phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Xín Mần là huyện vùng cao của Hà Giang, có độ dốc lớn, địa hình cách trở và dường như bị biệt lập với các địa phương lân cận. Tại huyện nằm phía Tây Hà Giang này, chăn nuôi được xem là thế mạnh. Bên cạnh việc duy trì các dự án nuôi trâu, bò, huyện cũng có thêm nhiều chính sách khuyến khích người dân nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm. Cách làm này đã, đang góp phần tích cực vào quá trình giảm nghèo bền vững, đa chiều.
So với các loại vật nuôi khác, dê có sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư ban đầu cho việc nuôi dê thấp, nguồn thức ăn dễ kiếm và dễ tiêu thụ. Vì thế, nhiều hộ dân nghèo tại huyện Xín Mần đã lựa chọn phát triển kinh tế từ nuôi dê, đem lại thu nhập khá. Nhiều hộ dân trước đây chỉ nuôi nhỏ lẻ, nay đã đầu tư sửa sang lại chuồng trại và tăng số lượng đàn dê lên vài chục con. Tính đến nay, 18 xã, thị trấn của huyện đều phát triển nuôi dê, tổng đàn dê toàn huyện là đạt hơn 19.200 con.
Năm 2024, gia đình chị Xin Thị Hương, thôn Cốc Pú, xã Nàn Ma, sở hữu đàn dê hơn 50 con, cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. Ít ai biết, khi mới bắt đầu nuôi, đàn dê nhà chị chỉ chưa đến 10 con.
Nhiều hộ dân ở Xín Mần, trong đó có không ít hộ nghèo, cận nghèo, đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi sang nuôi dê. Gia đình anh Cháng Đức Văn, thôn Chang Khâu, xã Cốc Rế, trước đây nuôi trâu vỗ béo, nhưng hiệu quả không như mong muốn, vì thế anh quyết định chuyển hướng sang nuôi dê sinh sản.
Bên cạnh việc tìm hiểu kỹ cách chăm sóc, thời gian dê có thể tiêu thụ và giá cả trên thị trường, gia đình anh Văn còn chủ động trồng cỏ voi để chuẩn bị nguồn thức ăn, tiết kiệm thời gian chăn thả dê để làm những công việc khác. Quyết định chuyển đổi từ nuôi trâu sang nuôi dê sinh sản giúp gia đình anh Văn có thêm trên 50 triệu đồng/năm.
Đồng hành với những nỗ lực vượt nghèo của người dân khi lựa chọn chuyển sang nuôi dê, huyện Xín Mần cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh, đảm bảo dê sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại huyện Đồng Văn, gia đình anh Sùng Vả Xay, ở thôn Sùa Lủng, xã Tả Phìn, cũng đang ngóng chờ thành quả của nuôi dê sinh sản. Anh Xay nói trước đây chỉ nuôi vài con dê lấy thịt khi gia đình có việc. Từ khi tham gia dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng nuôi dê sinh sản, gia đình mua thêm 7 con dê cái sinh sản. Hiện nay đàn dê nhà anh đã sinh sản thêm, hứa hẹn năm 2024 sẽ đem lại thu nhập cho gia đình từ 20 đến 25 triệu đồng.
Xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn nơi anh Xay sinh sống thực hiện dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi dê sinh sản từ giữa năm ngoái, tiếp tục triển khai qua năm 2024 tới giữa năm 2025. Tổng kinh phí thực hiện hơn 3,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đối ứng hơn 2,4 tỷ đồng, số còn lại, ngân sách Nhà nước hỗ trợ để mua hơn 400 con dê giống.
56 hộ nghèo và cận nghèo dân tộc H'Mông thuộc 3 thôn: Sùa Lủng, Khú Lủng và Nhìa Lũng Phìn, xã Tả Phìn, tham gia dự án. Mỗi hộ được hỗ trợ 16 triệu đồng để mua 7 con dê cái. Sau sáu tháng chăn nuôi, bình quân mỗi hộ đàn dê sinh sản thêm được 4 đến 6 con, nâng tổng số đàn dê của lên trên 10 con/hộ.
Đến quý I/2024, qua 6 tháng thực hiện dự án, đàn dê sinh sản thêm hơn 200 con, nâng tổng đàn dê thực hiện dự án lên trên 600 con. Đàn dê hiện nay được đánh giá đang giai đoạn sinh sản và phát triển tốt. Những tín hiệu tích cực bước đầu đem lại cho người dân nhiều hi vọng trong hành trình giảm nghèo nơi cao nguyên đá.
Dê là loại động vật ăn tạp, dễ nuôi nên các gia đình nghèo có thể tận dụng được nguồn thức ăn phong phú quanh nhà, trên rừng để chăn nuôi. Với ưu điểm ít vốn, dễ mua, dễ bán, dự án nuôi dê sinh sản đang dần trở thành hy vọng cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ nghèo ở xã Tả Phìn, huyện vùng cao biên giới Đồng Văn.
Để dự án nuôi dê phát triển bền vững, thời gian tới xã Tả Phìn tiếp tục tập trung tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chủ động trong công tác tiêm phòng dịch nhằm nhân rộng mô hình, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.