Dường như bi quan với khả năng tăng trưởng nhờ Android lẫn smartphone, Samsung quyết định tìm kiếm cơ hội ở một mảng kinh doanh khác.

Theo trang Japan Today, Chủ tịch mảng di động Dongjin Kohn của Samsung đã tuyên bố trước các cử tọa của Hội thảo các nhà phát triển thường niên của hãng hồi tuần trước rằng "Coding chính là chìa khóa của tương lai". Nói cách khác, giờ đây Samsung tự coi mình là một hãng phần mềm hơn là hãng sản xuất thiết bị phần cứng. Dù mảng di động của đại gia Hàn Quốc đã có một quý I tương đối ổn, song tầm nhìn của Samsung tiết lộ hãng không dám kỳ vọng gì nhiều vào khả năng tiêu thụ của smartphone trong thời gian tới.

{keywords}
Samsung chuyển trọng tâm từ smartphone sang phần mềm?

Hệ điều hành độc quyền Tizen OS của Samsung sẽ cho phép hãng này tích hợp sâu phần mềm, dịch vụ, phần cứng và bảo mật vào một hệ sinh thái duy nhất. Tizen sẽ giúp Samsung có quyền kiểm soát chặt hơn đối với cả 2 đầu của thiết bị, theo cách mà Apple đang kiểm soát các sản phẩm, dịch vụ của mình. Hệ điều hành nguồn mở dựa trên Linux này hiện đang được Samsung cài đặt cho thế hệ đồng hồ thông minh Galaxy Gear mới nhất, cùng với họ máy Samsung Z bình dân (đang được bán ở Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka). Tizen hiện cũng đang hiện diện ở một số dịch vụ xe thông minh.

Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy là Tizen chưa có chỗ đứng trên thị trường smartphone đại trà. Điểm yếu nhất của nó là ứng dụng, và nếu như muốn gây dựng một hệ sinh thái đúng nghĩa, Samsung cần phải thuyết phục được giới lập trình tạo ra nhiều ứng dụng dành cho Tizen hơn. Bên cạnh đó, hãng cũng cần phải chỉnh sửa lại Tizen để nó tương thích với danh mục sản phẩm kết nối ngày càng đa dạng của mình. Tất nhiên, Samsung có một lợi thế là hãng tự sản xuất khá nhiều linh kiện, nên việc tùy biến không quá khó.

Thời gian gần đây, khá nhiều đại gia của ngành smartphone như Intel, Microsoft, Qualcomm, đều có sự chuyển hướng đáng chú ý từ sản xuất phần cứng sang phần mềm và dịch vụ đám mây. Cụ thể, hôm thứ Bảy vừa rồi, Intel xác nhận hãng sẽ hủy sản xuất họ chip Atom dành cho cả smartphone lẫn máy tính bảng.

Đây là một sự chuyển hướng có thể hiểu được, khi mà thị trường smartphone toàn cầu được dự báo sẽ suy giảm đáng kể trong vài năm tới đây. Bất chấp quý cuối năm phá mọi kỷ lục, 2015 có thể sẽ là năm cuối cùng chứng kiến mức tăng trưởng 2 con số của doanh số smartphone.

Nguyên nhân chính của sự giảm tốc này chính là việc thị trường đã bão hòa. Tỷ lệ ứng dụng smartphone tại những thị trường chủ chốt như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đã đạt đỉnh. Số lượng người dùng chưa từng sở hữu smartphone đang giảm đi trông thấy nên các hãng hiện chỉ còn trông cậy vào những khách hàng lên đời điện thoại mà thôi.

Dù vậy, các thị trường mới nổi vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, Ấn Độ và Indonesia sẽ là hai đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng doanh số smartphone của thị trường toàn cầu trong các năm tới.

T.C