Ðiểm nổi bật ở dự thảo lần này là việc Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT và TT) đề xuất tăng quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, trong đó đáng chú ý là vai trò của sở TT và TT được làm rõ hơn.

Theo đó, các sở TT và TT được phép xử phạt vi phạm các cơ quan báo chí của Trung ương nếu các đơn vị này đăng tải thông tin sai sự thật về các vấn đề trên địa bàn. Ðối chiếu nội dung này với Nghị định 159/2013/NÐ-CP, chương III quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính có thể thấy việc phân công trách nhiệm của một số cơ quan theo Nghị định vẫn chưa thật sự rành mạch, dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, có thể dẫn đến việc xử lý hành vi vi phạm bị sót, lọt. Do đó, những điều chỉnh trong dự thảo mới được hy vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý cũng như phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của các sở TT và TT.

{keywords}
Chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ hoạt động ở một số cơ quan báo chí

Không chỉ được "cấp quyền" trong việc xử phạt vi phạm báo chí tại địa phương, các sở TT và TT cũng được tham gia đóng góp ý kiến với Bộ TT và TT trong việc cấp, đổi thẻ nhà báo thuộc cơ quan báo chí địa phương, cũng như việc cấp lại thẻ nhà báo của phóng viên thường trú đã đăng ký hoạt động tại địa phương.

Ðồng thời để chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ hoạt động ở một số cơ quan báo chí hiện nay, đại diện Bộ TT và TT cho biết: "Nghị định thay thế Nghị định 159/2013/NÐ-CP được ban hành sẽ có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, trong đó có cả hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép (đình bản) đến 12 tháng, đồng thời có cả chế tài xử lý lãnh đạo cơ quan báo chí cử phóng viên và phóng viên hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích". Ðây được đánh giá là những điều chỉnh kịp thời, cần thiết, tăng cường vai trò của cơ quan chức năng địa phương cũng như chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động báo chí.

Trong khi dư luận chờ đợi nghị định mới sớm được ban hành thì hiện nay việc triển khai cấp, đổi thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 cũng đang được Bộ TT và TT hướng dẫn thực hiện với những điểu chỉnh mới, phù hợp hơn với thực tiễn.

Nếu thực hiện nghiêm các quy định trong cấp, đổi thẻ nhà báo sẽ ngăn chặn được tình trạng lợi dụng kẽ hở, thậm chí buông lỏng trong việc cấp, đổi thẻ nhà báo. Bởi lâu nay, ở đâu đó vẫn có tình trạng nể nang, xuê xoa, hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo. Vẫn có tình trạng người không đủ trình độ học vấn vẫn đàng hoàng sở hữu tấm thẻ nghề nghiệp đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn tối thiểu, hay việc thẻ nhà báo được sử dụng để cấp phát cho các mối quan hệ không lành mạnh.

Có trường hợp dù không làm tại cơ quan báo chí, không liên quan công việc báo chí, hoặc chỉ có đôi ba bài viết đã được đăng báo nhưng vẫn được cấp thẻ nhà báo, để rồi từ đó không ít hệ lụy phát sinh. Hoặc có người dù đang công tác tại cơ quan báo chí nhưng chưa từng có bài đăng báo, chỉ làm những công việc như bảo vệ, văn thư,... nhưng mỗi mùa cấp, đổi thẻ vẫn xuất hiện trong danh sách gửi Bộ TT và TT để đề nghị cấp thẻ nhà báo. Ở đây, chính sự coi nhẹ, dung túng, bao che của cơ quan chủ quản đã góp phần tạo ra kẽ hở cho các sai phạm trong hoạt động báo chí nảy sinh, làm suy giảm lòng tin của xã hội đối với các nhà báo và cơ quan báo chí.

Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc rốt ráo, kiên quyết của cơ quan chức năng, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cũng như các nhà báo cần nghiêm túc, nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình. Hơn lúc nào hết, đạo đức của người làm báo, ý thức tuân thủ pháp luật, và trách nhiệm nghề nghiệp cần được đặt lên hàng đầu, tình trạng hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích cần được chấn chỉnh, những hành vi tiêu cực lợi dụng danh nghĩa báo chí cần được xử lý nghiêm minh. Chỉ có như vậy mới có thể khẳng định được niềm tin trong độc giả, phát huy vai trò tích cực của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hải Văn