Lúc 9:31 sáng ngày 30/5/2023, tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 16 đã được phóng thành công từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền.
Việc lần đầu tiên nhóm phi hành gia Trung Quốc thực hiện một nhiệm vụ bay có phi hành gia dân sự đầu tiên- Phó giáo sư Quế Hải Triều là tâm điểm chú ý của cộng đồng khoa học đại lục và thế giới. Được biết, trước đó, tất cả phi hành gia của nước này được đưa vào vũ trụ đều thuộc biên chế Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Đằng sau vẻ vang của PGS.TS Quế Hải Triều là cả một hành trình vượt khó và nỗ lực viết lên trang sử vàng. Quế Hải Triều sinh năm 1986 tại một gia đình bình thường ở huyện Thi Điện, tỉnh Vân Nam. Năm 6 tuổi, ông chăn gia súc bên sườn đồi để phụ giúp che mẹ.
Năm 2003, khi tàu vũ trụ Thần Châu 5 được phóng, Quế Hải Triều lúc đó mới là học sinh THPT. Khoảnh khắc tướng Dương Lợi Vĩ trở thành người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ đã thu hút và truyền cảm hứng cho chàng trai trẻ, theo tờ Tinh Đảo Nhật báo. Hải Triều mong muốn "hái sao" trên trời vào một ngày nào đó.
Tích cực, dũng cảm, bền bỉ và chăm chỉ là những gì giáo viên chủ nhiệm nhận xét về học trò Hải Triều.
"Khi giáo viên đặt câu hỏi, cậu ấy sẽ là người đầu tiên trong lớp lớn tiếng trả lời. Ngay cả khi cậu ấy trả lời có thể sai, cậu ấy vẫn dũng cảm nói ra". Thầy giáo cũng nhận xét Hải Triều có một nhân cách tốt và được bạn bè yêu mến.
"Cho dù đó là một bài kiểm tra hay một kỳ thi, em ấy sẽ thảo luận và trao đổi với giáo viên về những vấn đề đang tồn tại và em ấy sẽ không dừng lại cho đến khi thành thạo chúng. Hải Triều rất hòa đồng với các bạn cùng lớp và luôn chịu khó để giải thích cho một số học sinh có nền tảng kém".
Hai năm sau, Hải Triều được nhận vào Trường Du hành vũ trụ thuộc ĐH Hàng không vũ trụ Bắc Kinh (Bắc Hàng) với chuyên ngành thiết kế và kỹ thuật máy bay. Ông cũng là sinh viên có điểm cao nhất được nhận vào Bắc Hàng ở tỉnh Vân Nam. Năm 2014, khi chưa tròn 28 tuổi, Quế Hải Triều đã lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, Quế Hải Triều đã đến Đại học York (Canada), rồi chuyển đến Đại học Ryerson ở Toronto (Canada) để nghiên cứu sau tiến sĩ. Ông trở lại Trung Quốc vào năm 2017 và tham gia giảng dạy và nghiên cứu về động học tàu vũ trụ tại Bắc Hàng với chức danh Phó Giáo sư.
Trong thời gian này, Hải Triều đã xuất bản nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học hàng đầu, giành được 2 bằng sáng chế quốc gia và chủ trì hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc đã đưa ra cuộc tuyển chọn đợt thứ ba của các phi hành gia, bao gồm các kỹ sư hàng không vũ trụ và các chuyên gia về trọng tải. Bắc Hàng là một trong những trường đại học mục tiêu để tuyển chọn.
Quá trình tuyển chọn các phi hành gia vô cùng nghiêm ngặt. Đó là một bài kiểm tra toàn diện về sức khỏe thể chất và tinh thần. Sau 3 giai đoạn sơ tuyển, Quế Hải Triều đã nổi bật trong số khoảng 2.500 ứng viên và trở thành một trong 4 chuyên gia về tải trọng trong đợt thứ ba (gồm 18 phi hành gia dự bị và là người duy nhất đến từ một trường đại học).
Trong hai năm sau đó, ông đã trải qua quá trình đào tạo và đánh giá nghiêm ngặt hơn 200 môn học thuộc 8 hạng mục, cuối cùng đã đủ tiêu chuẩn cho việc "lên trời".
Ngày 30/5/2023, PGS.TS Quế Hải Triều đeo kính, bước lên tàu Thần Châu 16 cùng Thiếu tướng Cảnh Hải Bằng và kỹ sư hàng không vũ trụ Chu Dương Trụ bay lên bầu trời, thực hiện ước mơ "hái sao" vào 20 năm trước. Ông là nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc đeo kính.
Tàu Thần Châu 16 phóng lúc 9h31 ngày 30/5 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở miền Tây Bắc của Trung Quốc, sau đó hướng tới Trạm vũ trụ Thiên Cung. Trạm vũ trụ Thiên Cung quay quanh Trái đất sẽ đóng vai trò như phòng thí nghiệm cho các nghiên cứu không gian của Trung Quốc trong ít nhất một thập kỷ. Phi hành đoàn sẽ ở lại trạm Thiên Cung đến tháng 11/2023, cho đến khi các phi hành gia mới thay thế trong sứ mệnh Thần Châu 17. |
Tử Huy