Grab và Go-Jek nâng cao vị thế của châu Á trên thị trường công nghệ toàn cầu. Ảnh: Nikkei |
Báo cáo của Temasek và Preqin chỉ ra tính đến cuối năm 2018, các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào châu Á đang quản lý số tài sản trị giá 323 tỷ USD, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Bắc Mỹ (397 tỷ USD). Khoảng cách giữa hai khu vực được rút ngắn so với 5 năm trước.
Giám đốc điều hành Ee Fai Kam của Preqin dự đoán các quỹ châu Á có thể vượt qua Bắc Mỹ vào cuối năm 2020. Từ năm 2010, các quỹ tập trung vào châu Á tăng trưởng trung bình 30%/năm so với 9%/năm của Bắc Mỹ.
Các trung tâm sáng tạo công nghệ hàng đầu như Bắc Kinh, Thượng Hải dẫn đầu làn sóng đầu tư với 10 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất châu Á đều đặt trụ sở tại Trung Quốc. Thu nhập tăng và tỉ lệ sử dụng di động tại đây mang đến cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho startup công nghệ mới.
Châu Á cũng là khu vực thúc đẩy mở rộng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu. Số lượng các tổ chức châu Á đổ tiền vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tăng gấp đôi trong 5 năm qua, còn thị phần các nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ giảm từ 55% năm 2013 xuống 50% năm 2018.
Từ góc độ của nhà đầu tư, họ sẽ hướng tới các thị trường vẫn còn cơ hội mang lại lợi nhuận cao hơn. Châu Á là tập hợp các nước đang phát triển, tăng trưởng nhanh. Châu Á cũng là quê hương của nhiều startup nổi tiếng như Grab, Go-Jek với giá trị hơn 10 tỷ USD.
Theo báo cáo của DealStreetAsia, 7 tháng đầu năm 2019, số vốn cam kết đầu tư vào Đông Nam Á đạt 3,13 tỷ USD, vượt 2,12 tỷ USD của cả năm 2018. Đông Nam Á còn được chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ.