{keywords}
Xếp hàng chờ tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Guardian

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin không đồng đều và việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa đã đưa châu Âu tới “mốc nguy hiểm” của đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết. Dự kiến tới tháng 2/2022 sẽ có thêm 500.000 ca tử vong vì Covid-19 tại lục địa này nếu tình hình như hiện nay tiếp diễn.

Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge ngày 4/11 cho biết, toàn bộ 53 quốc gia trong vùng đang đối mặt với một mối đe dọa thực sự và ông kêu gọi các chính phủ tái áp dụng hoặc tiếp tục các biện pháp bảo vệ xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

“Chúng ta, lại một lần nữa, ở tâm dịch”, báo The Guardian dẫn lời ông Hans Kluge nói. Theo quan chức này, số ca mắc Covid-19 tại châu Âu và Trung Á đã tăng 6% trong tuần này, số ca tử vong tăng 12% và ca nhiễm hàng ngày tăng 55% trong tháng qua. Hiện số ca mắc Covid-19 ở châu Âu và Trung Á chiếm 59% số ca được xác nhận nhiễm virus và gần 50% số ca tử vong trên toàn cầu.

Quan chức này cho biết thêm một mô hình dự báo đáng tin cậy chỉ ra rằng đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca tử vong vì Covid-19 nếu tình hình hiện nay tiếp diễn.

Theo cách phân chia của WHO, khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số quốc gia Trung Á.

Số ca tử vong ở Nga tăng kỷ lục

Hãng AP dẫn tin từ lực lượng đặc nhiệm chống virus corona quốc gia Nga ngày 4/11 cho biết, Nga ghi nhận 1.195 người đã tử vong vì Covid-19, vượt trên mức 1.189 người một ngày trước đó. Đây là kỷ lục mới về số người tử vong do virus corona khi Nga phải vật lộn với một đợt lây nhiễm kéo dài.

Kể từ tháng 9, Nga đã thống kê được số ca nhiễm hoặc tử vong mỗi ngày đều ở mức cao. Hiện thời, chưa đầy 35% trong số gần 146 triệu người Nga đã tiêm phòng đầy đủ để ngừa Covid-19.

Singapore cho công chức nghỉ không lương nếu không tiêm phòng Covid-19

Theo trang Channel News Asia, các công chức của Singapore nếu không tiêm vắc xin ngừa Covid-19 dù đủ điều kiện, có thể bị cho nghỉ không lương hoặc không được gia hạn khi hợp đồng lao động kết thúc.

Cơ quan Dịch vụ Công (PSD) của Singapore cho biết, đây sẽ là giải pháp cuối cùng nếu các công chức vẫn không chịu tiêm phòng. Hiện tại, PSD sẽ cố gắng hết sức để có thể sắp xếp cho các nhân viên chưa tiêm phòng làm việc tại nhà từ ngày 1/1/2022 nếu công việc cho phép.

Những người chưa tiêm vắc xin cũng có thể sẽ được điều chuyển sang các bộ phận có thể làm việc tại nhà. Tuy nhiên, PSD nhấn mạnh rằng, nếu họ đủ điều kiện tiêm chủng mà vẫn kiên quyết không tiêm thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để điều chuyển, và bị buộc phải nghỉ không lương.

Nhận diện gen làm bệnh nhân Covid-19 trở nặng

Theo Guardian, các nhà nghiên cứu đã xác định được gen làm tăng gấp đôi nguy cơ suy hô hấp từ virus corona. Một nghiên cứu mới cho thấy, khoảng 60% số người có tổ tiên là người Nam Á mang gen có nguy cơ cao.

Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này giải thích phần nào số ca tử vong cao quá mức ở một số cộng đồng tại Anh và tác động của Covid-19 ở tiểu lục địa Ấn Độ. Loại gen này cũng phổ biến ở dân số châu Âu, chiếm khoảng 15%.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Genetics cũng cho thấy gen này không làm thay đổi chức năng tế bào miễn dịch.

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Hoài Linh

Quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc viên trị Covid-19

Quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc viên trị Covid-19

Hôm nay (4/11), Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc viên kháng virus Molnupiravir để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.