- Với mức giá xăng dầu đang thấp như hiện nay, các DN vận tải lẽ ra phải điều chỉnh giảm cước ngay. Nhưng trên thực tế, hầu hết các DN chưa có sự điều chỉnh nào hoặc có giảm nhưng không đáng kể.
Có giảm, nhưng chỉ nhỏ giọt
Giá xăng đã 7 lần giảm kể từ đầu năm, với hai lần giảm sâu đến nay chỉ còn 17.300 đồng/lít. Giá dầu diesel tính từ mốc giảm giá ngày 4/6 đến ngày 19/8 cũng giảm tới 18% (từ 16.360 xuống 13.420 đồng/lít). Song, các DN vận tải vẫn khất lần, không chịu điều chỉnh giảm theo hoặc giảm nhỏ giọt.
Điển hình như taxi Group, theo báo ANTĐ, giá cước mở cửa cho 300m đầu tiên là 12.000 đồng, từ kilomet tiếp theo đến kilomet thứ 32 là 14.400 đồng/km; với xe Innova 8 chỗ mức cước còn cao hơn, 15.900 đồng/km.
Tương tự, với hãng taxi Mai Linh, mặc dù giá mở cửa cho 500m đầu chỉ 10.000 đồng, nhưng từ kilomet tiếp theo là 15.100 đồng/km. Như vậy, taxi Mai Linh hiện có mức cước cao nhất thị trường Hà Nội. Đối với các hãng taxi khác như Thành Công, ABC, VIC taxi,... giá cước hiện dao động từ 11.000-12.000 đồng/km.
Một xe taxi trung bình tiêu thụ từ 7-9 lít xăng/100 km, chi phí nhiên liệu chiếm từ 25-35% (tùy loại xe và chất lượng mới, cũ). Rõ ràng, mặc dù giá xăng đã giảm tương ứng khoảng 15% tính từ đầu tháng 6 đến nay, nhưng rất ít DN taxi công bố giảm giá cước.
Mãi tới hôm qua (3/9), tại TP.HCM, Vinasun ngày 3/9 mới công bố giảm 500 đồng/km. Đại diện taxi Thành Công thì lý giải cuối tháng 8 DN đã giảm cước 1.000 đồng/km nên dự kiến sẽ không giảm thêm. Công ty CP dịch vụ taxi ABC cũng cho biết khi xăng tăng giá, taxi ABC giữ nguyên giá cước nên khi giá xăng giảm hãng này chưa có lộ trình để giảm cước.
Trong khi đó, đối với các tuyến xe khách đường dài, báo Thanh niên cho hay, nhiều nhà xe đang lãi lớn, lên tới 350-700 đồng/km. Tại bến xe phía Nam (Hà Nội), các DN chạy từ Hà Nội đi các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh,... đều giữ nguyên giá vé, với lý do giá dầu diesel giảm ít dù trên thực tế 2 tháng nay đã giảm liên tiếp 4 lần.
Tới tháng 8, khi giá xăng dầu giảm liên tiếp thì có 5 nhà xe thông báo giảm 3-8,3%, trong khi giá dầu diesel đã giảm tới 18% nếu tính đến mốc giảm ngày 19/8.
Song, vẫn còn nhiều tuyến giá cước vẫn giữ nguyên, như Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Hải Phòng, chưa hề giảm từ đầu năm tới nay
Đại diện một nhà xe cho hay, giá dầu chiếm khoảng 38-40% chi phí giá thành mỗi chuyến xe, cùng phí cầu đường (phí cao tốc, trạm BOT), khấu hao, sửa chữa, nhân công, bảo hiểm,... Tính ra, mỗi chuyến xe 54 chỗ, chi phí nhiên liệu thời điểm đầu tháng 6 khi giá dầu bắt đầu chu kỳ giảm là 390.000-400.000 đồng/chuyến, nay giảm còn 320.000 đồng/chuyến, tức đã lãi 70.000-80.000 đồng tiền dầu/chuyến, tương ứng với lãi tăng thêm 8%, khoảng 700 đồng/km.
Với xe 24 chỗ, mức lãi tăng thêm từ 350-400 đồng/km. Càng chạy nhiều, nhà xe, các hãng vận tải càng lãi lớn.
Cái lý của doanh nghiệp
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, không thể cứ xăng dầu giảm 10% thì cước vận tải phải giảm khoảng 5%. Giá vận tải là theo thị trường. Từ đầu năm đến nay, chỉ một vài DN taxi ở Hà Nội điều chỉnh tăng cước trong mức cho phép 5% thì bây giờ phải giảm. Còn đơn vị nào vẫn giữ cước khi giá xăng dầu tăng thì không thể bắt họ giảm được.
“Giá xăng dầu giảm nhưng không thấy các DNNN như tàu hỏa, máy bay, nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu giảm giá. Sao ngành tài chính không kiểm tra để phạt những DN đó mà lại yêu cầu các DN vận tải nhỏ lẻ đang oằn lưng chịu hàng loạt loại phí phải giảm cước. Taxi có thể giảm 500-1.000 đồng/km nhưng giá xăng dầu phải giữ được lâu chứ DN vừa giảm, xăng dầu lại tăng giá thì DN sẽ hết sức khó khăn” - ông Liên đặt vấn đề trên báo ĐS&PL.
Còn ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chất vấn, giá xăng dầu vừa qua tăng, giảm liên tục trong khi có hãng vận tải vẫn giữ giá khá lâu. Vì thế, không thể đánh đồng, yêu cầu tất cả phải giảm cước vì có hãng đã giảm.
Ông Thanh cho rằng, giá xăng dầu điều chỉnh rất dễ nhưng mỗi lần thay đổi mức tính cước trên đồng hồ, mỗi taxi mất hơn 100.000 đồng, chưa kể tài xế phải nghỉ chạy nửa buổi. Đối với xe khách lại phải in vé mới, hủy toàn bộ vé cũ gây thiệt hại cho DN.
“Xăng tăng, giảm 11 lần mà cước cũng phải điều chỉnh 11 lần thì DN vận tải “chết” do quá tốn kém” - ông Thanh nhận định.
Tuy nhiên, lý giải trên là không thuyết phục, bởi mỗi lần tăng giá taxi thì lại không thấy các doanh nghiệp vin vào cớ này mà lại nhanh chóng tăng cước để bù lỗ xăng dầu.
Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, yêu cầu kê khai giá hay thanh tra cơ cấu giá thành là các biện pháp đã được quy định trong luật Giá, phải được áp dụng chặt chẽ. Thực tế một vài lần thanh tra giá đã thực hiện trước đây cho thấy không nhiều DN bị xử lý.
“Cơ quan quản lý phải nắm vững công cụ của luật trong tay, kiểm tra xem báo cáo chi phí của DN có đúng hay không, dựa theo luật Giá, vi phạm mức độ cao có thể tước giấy phép kinh doanh với DN”, ông Ánh nói.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, vấn đề giá taxi, cước vận tải không giảm là trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành. Khi chi phí đầu vào của nền kinh tế giảm, lợi ích cho ngân sách mới xuất hiện trở lại. Giờ không kiểm soát được việc giá cước vận tải, taxi, để cho sự độc quyền phân mảng như hiện nay thì rất khó.
Sau khi Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý giá cước vận tải đường bộ, Bộ GTVT đã đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô tại địa phương tuyên truyền các đơn vị vận tải điều chỉnh giảm giá cước sao cho phù hợp, báo cáo kết quả trước 30/9. Các đoàn kiểm tra tại địa phương cũng sẽ được tiến hành, có kết quả trước ngày 5/10.
Rõ ràng, Bộ GTVT và Bộ Tài chính dù đã có động thái để đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng nhưng dường như mọi sự vẫn không có tiến triển, người tiêu dùng vẫn phải đi lại với cước taxi cao chót vót, trong khi giá xăng dầu đã hạ rất thấp.
Ng.Hà (tổng hợp)