Một người đàn ông trú tại Hà Nội được chuyển viện cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng ngộ độc strychnin có trong hạt mã tiền.

Theo đó, ông bị xương khớp và gout nên mua cao thuốc làm từ cây mã tiền về dùng. Ông lấy 1 thìa nhỏ pha với chén nước uống. 15 phút sau, toàn thân bệnh nhân bắt đầu co cứng, buồn nôn, toát mồ hôi và không cử động được. Người nhà phát hiện vội đưa ông đi cấp cứu.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Đạt, Trung tâm Chống độc, bệnh nhân ngộ độc strychnin có trong hạt mã tiền. Đây là độc tố thường được dùng trong nông nghiệp để diệt chuột, diệt thú có hại và trong y học cổ truyền với mục đích điều trị. Y học hiện đại không còn dùng strychnin làm thuốc chữa bệnh do độc tính nguy hiểm và tác dụng chữa bệnh rất hạn chế.

Sau 1 ngày cấp cứu, bệnh nhân vẫn còn co cứng các cơ, cổ ưỡn cong, tay co, chân duỗi cứng giống như người bị uốn ván kèm theo các cơn co giật. Thậm chí chỉ cần có tiếng động mạnh, ánh sáng chói, bệnh nhân lại bị kích thích cơ và co giật. 

Theo bác sĩ Đạt, các trường hợp nhiễm độc strychnin hay mã tiền thường do dùng bài thuốc dân gian, truyền tai nhau, uống nhầm rượu ngâm mã tiền để xoa bóp… Trường hợp nhiễm độc nặng, không được phát hiện, cấp cứu kịp thời sẽ gây giật cơ, cứng cơ, khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

Trong y học cổ truyền, sử dụng hạt mã tiền cần phải xử lý độc tố theo đúng quy trình để loại bỏ nguy cơ gây ngộ độc. Hạt mã tiền cũng được Bộ Y tế xếp vào danh mục những vị thuốc có độc tính cao, cần bảo quản riêng biệt, tuân thủ liều lượng sử dụng. 

Bác sĩ Đạt khuyến cáo, người dân nên cẩn thận với các loại thuốc y học cổ truyền trôi nổi, không rõ nguồn gốc, thành phần trên thị trường, lấy từ những cá nhân, người tự tuyên bố là thầy lang hoặc cơ sở chưa được cấp phép. 

Cảnh báo chất độc nguy hiểm trong hoa chuôngTất cả các bộ phận của hoa chuông đều chứa độc tố có thể gây ngộ độc nặng. Người dân tuyệt đối không dùng bất kỳ bộ phận nào của cây hoa chuông để làm thực phẩm và không tự ý dùng để chữa bệnh.