Khi nhiệt độ ở Anh tăng lên mức đáng báo động là 104 độ F (40 độ C) trong tuần này, một số người dân vẫn dùng các biện pháp đơn giản, tốn thời gian để cố gắng hạ nhiệt. Họ dùng quạt giấy, khăn ướt và đá lạnh.

Nhưng đối với những người khác, đã đến lúc phải thay đổi. Giữa cái nóng kỷ lục, họ sẵn sàng đón nhận thứ mà nhiều người châu Âu từ lâu coi là xa xỉ, không cần thiết và là mối đe doạ huỷ diệt hành tinh: điều hòa không khí.

Chỉ 3% hộ gia đình ở Đức, 5% ở Pháp lắp điều hòa - vì sao người châu Âu không dùng điều hòa nhiệt độ dù đối mặt nắng nóng kỷ lục? - Ảnh 1.

Châu Âu nắng nóng kỷ lục trong tuần qua. Ảnh: Washington Post.

Loại hệ thống làm mát tiêu tốn nhiều năng lượng này đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với người Anh và người dân ở châu Âu khi họ đối mặt với một mùa hè tàn khốc, một phần do biến đổi khí hậu gây ra.

Doanh số các thiết bị điều hòa không khí di động đã tăng 2.420% trong một tuần, theo nhà bán lẻ Sainsbury của Anh.

Nhưng tại sao các hộ gia đình ở châu Âu vẫn chưa được trang bị điều hòa nhiệt độ? Và liệu châu Âu có trở thành nạn nhân của "thói nghiện điều hòa kiểu Mỹ", như nhà nghiên cứu kiểm soát khí hậu Stan Cox cảnh báo.

Vì sao người dân châu Âu không lắp điều hòa nhiệt độ tại nhà?

90% các gia đình ở Mỹ đã lắp điều hòa nhiệt độ. Trong khi đó, nhiều thập kỷ qua các nhà lãnh đạo và học giả châu Âu đã chế giễu sự phụ thuộc vào điều hòa không khí của người Mỹ là một ví dụ về sự lãng phí, dư thừa.

Các văn phòng có máy lạnh là điều phổ biến ở châu Âu nhưng tại nhà riêng, cực hiếm khi bạn tìm thấy một thiết bị điều hòa nhiệt đọ.

Theo ước tính, chỉ 3% số nhà ở Đức và chưa đến 5% số nhà ở Pháp có điều hòa nhiệt độ. Tại Anh, các ước tính của chính phủ cho thấy ít hơn 5% các gia đình ở Anh đã lắp đặt điều hòa.

Một phần lý do là vì châu Âu thường có khí hậu mát mẻ. Mùa hè của họ thường được gọi là "mùa hè ấm", hiếm khi đạt đến mức nhiệt độ cao liên tục như Nam Mỹ hay một số khu vực châu Á. Và ngay cả trong những ngày nắng nóng như thiêu như đốt, không khí ở Rome cũng khó có thể ẩm ướt như Seoul, Tokyo hay Washington. Ở Anh, những ngôi nhà thậm chí còn được xây để giữ ấm hơn là tránh nóng.

Châu Âu có thay đổi quan điểm?

Thực tế trước khi đợt nắng nóng cao điểm này diễn ra, châu Âu cũng đã sử dụng điều hòa rộng rãi hơn. Năm 2028, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết tỷ lệ sở hữu điều hòa ở Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp và miền nam nước Pháp đã tăng nhanh trong thập kỷ qua.

IEA ước tính số lượng thiết bị điều hòa tại EU sẽ tăng gấp đôi từ 110 triệu năm 2019 lên 275 triệu vào năm 2050.

Giờ đây, một số người châu Âu đang chấp nhận thực tế rằng có thể cần điều hòa nhiệt độ để cứu mạng người. Sau đợt nắng nóng khiến khoảng 15.000 người chết ở Pháp vào năm 2003, điều hòa không khí đã được đưa vào một số viện dưỡng lão nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

"Mọi người bắt đầu nhận ra mùa hè giờ đây thực sự nắng nóng và đang tuyệt vọng trong việc tìm ra giải pháp lâu dài cho tương lai", Richard Salmon – CEO của một công ty điều hòa tại London cho biết. Ông cho biết công ty của mình đã nhận 300 yêu cầu tư vấn mỗi ngày trong tuần qua, so với mức thông thường là khoảng 20 yêu cầu mỗi ngày.

Chỉ 3% hộ gia đình ở Đức, 5% ở Pháp lắp điều hòa - vì sao người châu Âu không dùng điều hòa nhiệt độ dù đối mặt nắng nóng kỷ lục? - Ảnh 4.

Điều hoà nhiệt độ là thứ không thường xuất hiện trong các gia đình tại châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Các ngôi nhà ở Anh, bất chấp tuổi đời của chúng, nhìn chung vẫn có thể lắp điều hòa không khí. Vấn đề lớn nhất là "băng đỏ" từ chính phủ nếu toà nhà được đưa vào danh sách bảo tồn hoặc ngôi nhà nằm trong một khu căn hộ.

Tuy nhiên, ở quy mô rộng hơn, nếu người châu Âu gia tăng việc sử dụng điều hòa – hệ thống lưới điện và nguồn cấp năng lượng sẽ cần phải được tính toán một cách cẩn trọng. Đợt nắng nóng hiện tại của châu Âu diễn ra trùng hợp với việc chính phủ yêu cầu người dân ít sử dụng năng lượng hơn, trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung khí đốt từ Nga.

"Tôi không thể trách người châu Âu mua điều hòa không khí lúc này", Cox nói. "Những người từng trải qua đợt nắng nóng năm 2003 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng sẽ hiểu điều đó. Những đợt nắng nóng như thế thường chỉ xảy ra vài thế kỷ một lần nhưng giờ đây, họ đã gặp lại – chỉ sau 19 năm. Sẽ có những đợt nắng nóng khác sẽ xảy ra".

"Nó là một công cụ cứu sinh thiết yếu trong các đợt nắng nóng nhưng sẽ gây tác động lớn đến khí hậu khi được sử dụng thường xuyên trong toàn xã hội", Cox nói thêm. "Việc lạm dụng nó cũng khiến chúng ta không thể thích nghi với thời tiết nóng nực, khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn cả về mặt thể chất và tâm lý. Do đó, chúng ta càng phụ thuộc nhiều hơn vào điều hòa nhiệt độ".