- Cần thực hành tiết kiệm ở trên tất cả các khoản, chỉ cần người đứng đầu gương mẫu trong tiết kiệm chi - độc giả nêu sáng kiến để có nguồn tiền cải cách lương.
Chống lãng phí
Chia sẻ với khó khăn của đất nước trong bối cảnh suy giảm
kinh tế, song hầu hết độc giả đều cho rằng không nên lấy lý do thiếu hụt nguồn
thu để trì hoãn lộ trình tăng lương. Đặc biệt, Chính phủ cần rà soát lại các
khoản chi tiêu lãng phí thay vì “đánh” vào hầu bao các bà nội trợ.
“Tôi thống nhất với các ĐBQH là phải cắt giảm các khoản
chi không cần thiết từ các cơ quan nhà nước, từ nguồn đi tham quan, học tập
kinh nghiệm theo kiểu "giải ngân" là chính, và đặc biệt là nguồn mua
sắm trang thiết bị”, bạn Tuyên Quang viết. Cũng theo bạn đọc, nếu tăng
lương theo lộ trình sẽ đạt được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và kích hoạt
nền kinh tế thông qua tiêu dùng của người dân.
Độc giả Khuê Bích (khuebich1940@...) cũng mong muốn Quốc hội
làm rạch ròi các khoản tiền cần tiết kiệm.
“Khoản nào đã là "không cần thiết" thì phải cắt
ngay chứ sao lại nói là "giảm" ? Giảm ở những khoản nào? (tôi tin là
rất nhiều khoản có thể giảm!). Cần thực hành tiết kiệm ở trên tất cả các
khoản, chỉ cần người đứng đầu gương mẫu trong tiết kiệm chi”, bạn Khuê Bích góp
ý.
Một số bạn đọc khác cho rằng nên đặt lại vấn đề tinh giản
biên chế để loại khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, dành quỹ lương cho
những công chức mẫn cán.
Nói như bạn Trần Hoàng Hà (hoang_ha357@...), “đó là một việc được
cả hai mục đích lớn: Giữ lại những người thực sự làm được việc cho dân, cho
nước. Tăng được lương chính đáng cho những người làm việc chính đáng. Đành rằng
việc này rất khó, nhưng nếu không chữa đúng bệnh,
tôi e rằng lại tiếp tục vòng luẩn quẩn: Tăng lương, tìm nguồn, cơ chế xin -
cho, hiệu quả quản lý nhà nước yếu kém và lại tìm cách tăng lương (vì thiếu
nguồn và bộ máy cồng kềnh,...) cứ như vậy đến bao giờ”, bạn Hà viết.
Theo duongkha88@..., nhu cầu tăng lương đang tạo gánh nặng lên “bầu sữa ngân sách”. Do vậy, Chính phủ nên có kế hoạch tổ chức sắp xếp lại bộ máy để loại bỏ những cá nhân sống dựa vào ngân sách mà không làm việc hoặc làm qua loa đại khái. Chủ trương này tuy đã được nói nhiều song chưa thực hiện.
Chống tham nhũng
Cùng với lời kêu gọi thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu
công, nhiều độc giả còn cho rằng Chính phủ phải quyết liệt trong phòng chống
tham nhũng, hạn chế thất thoát trong các lĩnh vực như đất đai, đầu tư xây dựng
cơ bản.
Theo bạn ktsnds@..., hãy tích cực thu về
khoản nợ của các tập đoàn nhà nước.
Độc giả leecongminh_79@... cũng cho rằng vấn nạn tham nhũng đang gặm nhấm, thậm chí nuốt chửng hàng chục nghìn tỷ đồng vào túi cá nhân. Tham nhũng không chỉ khiến nền kinh tế lao đao mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như thất nghiệp, nợ xấu, khủng hoảng niềm tin, ngân sách cạn kiệt vì bị bòn rút. Giải quyết được vấn nạn này chắc chắn sẽ có dư tiền để tăng lương.
“Hãy cắt giảm đầu tư công và chống tham nhũng quyết liệt chứ
không phải ngừng lộ trình tăng lương. Là công chức, tôi không muốn tham nhũng
hay lách luật để có tiền nuôi con”, bạn buiphuhoat@... viết.
Nhiều bạn đọc chỉ ra một thực tế, trong khi lương không
đủ sống thì thu nhập ngoài lương lại rất cao, không thể kiểm soát. Rất nhiều trong số đó là các khoản có được từ lợi dụng chức vụ quyền hạn,
nhũng nhiễu. Lương càng thấp thì nhũng nhiễu càng có đất
sống, nhất là khi cơ chế giám sát lỏng lẻo. Trong bối cảnh lạm phát
liên tục như nhiều năm qua, lương công chức lại càng tụt hậu so với nhu cầu
sống tối thiểu.
Do đó, mấu chốt, theo bạn Mai Hoa (maihoa23@...) không phải
cứ nhăm nhe bàn tính chuyện lấy đâu ra tiền để tăng lương bởi tất cả sẽ rơi vào
vòng luẩn quẩn, mà quan trọng là tiến hành cải cách đồng bộ, làm quyết liệt từ
trên xuống dưới để xây dựng một bộ máy trong sạch.
Và cuối cùng, mong muốn của người dân là nếu có tăng lương
cũng phải kiểm soát chặt giá cả, đừng để quay lại bài ca muôn thuở “lương chưa
tăng mà giá đã tăng”.
Ngọc Lê