Sáng  5/12, tại huyện Lương Sơn, 16 tấn bưởi Diễn đầu tiên đã được làm thủ tục xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là năm thứ hai tỉnh Hòa Bình xuất khẩu bưởi Diễn nhưng đã có sự khác biệt đáng kể so với thời điểm tháng 12/2022.

Nếu như năm ngoái, Hòa Bình chỉ xuất được một container để chào hàng sang thị trường Vương Quốc Anh, đến năm nay đã có thêm hợp đồng đến từ một số nước EU (châu Âu).

Đặc biệt có 3 đơn hàng đến từ thị trường Mỹ đợt này đã khẳng định được việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh sản lượng xuất khẩu mặt hàng nông sản của Hòa Bình. 

Hiện cây bưởi đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Hòa Bình, trong đó diện tích bưởi Diễn năm 2023 đạt trên 3.200 ha, chiếm gần 60% diện tích bưởi và chiếm 31% tổng diện tích cây có múi toàn tỉnh. Sản lượng bưởi Diễn năm 2023 đạt trên 52 nghìn tấn. 

anh chup man hinh 2023 12 10 luc 082736.png
Bưởi Diễn Hoà Bình trước khi được đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Với quy mô sản xuất và sản lượng ngày càng cao, đòi hỏi công tác tiêu thụ sản phẩm phải thật sự nhịp nhàng, hiệu quả. Nhiệm vụ về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản đã được nêu trong nhiều Nghị quyết, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. 

Trong những năm gần đây ngành nông nghiệp Hòa Bình đã cùng với các địa phương đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua hoạt động xuất khẩu là hướng đi đúng, hiệu quả.

Tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản, lâm sản của tỉnh tại các tỉnh, thành phố, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị,....

Nhiều mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Hòa Bình đã vào được hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội như: Big C, Hapro Mart, T Mart, Winmart, Qmart, Coop Mark, Lotte; Fivimart, Biggreen, Sói Biển... 

Địa phương cũng tích cực giới thiệu và kết nối cho 66 lượt doanh nghiệp/HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản, trong đó kết nối và giới thiệu 2 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống Fine Food Australia 2022 tại Australia; 3 doanh nghiệp/HTX tham gia 4 gian hàng tại "Chương trình Tự hào Nông sản Việt" diễn ra trên phố đi bộ Hồ Gươm, phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội tại Trung tâm Thương mại AEON MALL Hà Đông. 

Tỉnh cũng chủ động kết nối giữa các hợp tác xã, vùng sản xuất với các doanh nghiệp chế biến để cung cấp nguồn nguyên liệu, hỗ trợ việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường quốc tế phục vụ xuất khẩu sản phẩm. 

Từ năm 2021-2023, đã cấp 57 mã số vùng trồng (mã số nội địa là 23 mã số, mã số xuất khẩu là 34 mã số) với tổng diện tích là 618,33 ha trên các loại cây trồng như bưởi, nhãn, chuối, thanh long, dưa hấu, cây rau… và 8 cơ sở đóng gói quả tươi được cấp mã số xuất khẩu, các mã số được cấp và quản lý, giám sát theo đúng quy định". 

Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh đã góp phần thúc đẩy và tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ ở các thị trường lớn, siêu thị đạt khoảng 20% tổng sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm cây ăn quả có múi, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng và duy trì thương hiệu cho 38 sản phẩm chủ lực của tỉnh, cụ thể: 1 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong; 14 nhãn hiệu tập thể; 23 nhãn hiệu chứng nhận. 

Đặc biệt, địa phương cũng tiếp tục duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn, hiện đã có 77 doanh nghiệp/hợp tác xã với 360 sản phẩm tham gia; triển khai dán trên 8 triệu tem truy xuất nguồn gốc để gắn lên sản phẩm của tỉnh Hòa Bình nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ thương hiệu của sản phẩm.