Ông Huỳnh Quang Huy - Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận chia sẻ kết quả của người dân tham gia vào cộng đồng bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

Ông cho biết, Bình Thuận từng có nguồn lợi thủy sản lớn và cũng là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Nhưng đến một giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn một con gì. Đi khảo sát trong 5 năm liền, cào 100m2 cũng không được bất cứ con cá, con tôm nào.

“Bà con ngư dân lúc đó rất bức xúc. Họ nói các ông giữ biển như vậy con cái còn gì mà ăn”, ông Huy nhớ lại. Theo ông, đây là hệ quả của việc nhiều chính sách quản lý không còn hiệu quả và quá tải.

Phát triển kinh tế biển.

Bình Thuận có 172km đường biển nhưng chỉ có 3 tàu kiểm ngư tốc độ chỉ đạt 7 hải lý/giờ, trong khi tàu đánh cá tốc độ lên đến 14 hải lý/giờ. "Không thể kiểm soát nổi", ông nói. Do đó, mô hình giao cho ngư dân tự quản lý, phục hồi nguồn lợi thủy sản ra đời. 

“Ban đầu, tôi mất 30 buổi uống cà phê mới kiếm được 5 ngư dân tham gia vào dự án giữ biển, sau đó lên 10 người, rồi thành lập ban vận động hình thành cộng đồng để giữ biển vào năm 2013”, ông Huy chia sẻ.

Quá trình lo thủ tục để thành lập cộng đồng này phải thông qua 37 văn bản với 4 lần phản biện. Thời gian đầu triển khai rất khó khăn vì không có nguồn lực, ngư dân nhiều người còn không tin tưởng.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm nỗ lực, cộng đồng phát huy hiệu quả. Lượng giã cào xâm phạm giảm 90%. Trong khi trước đó, giã cào đi cào nát biển, cả 100m2 không thu được một con tôm, cá nào.

Năm 2015, khi khảo sát, chỉ 1m2 có 426 đối tượng thủy sản. Người dân đã hiểu bảo tồn là thế nào, tác dụng ra sao, phục hồi được nguồn lợi thủy sản. Giải pháp đưa ra là làm cội chà (một loại ngư cụ trong nghề cá ven bờ dùng để thu hút, tụ tập đàn cá) thả xuống biển để tôm cá có nơi phát triển.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Bình Thuận triển khai được 3 dự án cộng đồng như vậy, quản lý 43 km2, dọc theo bờ biển một huyện. Từ năm 2017 đến nay, khi nguồn hỗ trợ của UNDP kết thúc, các mô hình vẫn hoạt động hiểu quả, người dân ngày càng tự giác tham gia và còn phát triển hơn trước.

“Năm 2015, có những đêm ngư dân không kiếm nổi 500.000 đồng. Bây giờ, có đêm kiếm được đến 10 triệu đồng từ đánh bắt thuỷ sản. Ngư dân nói 40 năm nay mới thấy được vụ đánh cá như vậy, cá về, mực về nhiều.

Đặc biệt, từ năm 1976 đến nay, tôm bạc - loại có giá trị kinh tế cao - mới xuất hiện trở lại. Một đêm kéo được cả tạ loại tôm này”, ông Huy thông tin. 

Đây là kết quả của việc người dân tham gia vào cộng đồng bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, ông nhấn mạnh và cho biết, trước thả các cụm cội chà xuống biển bị nói cản trở giao thông biển. Giờ ngư dân xin thêm cụm cội chà, thậm chí tự bỏ tiền ra mua về thả xuống biển vì thấy hiệu quả trong tái tạo nguồn tôm, cá.

Theo ông Huy, để phát triển quy mô của cách làm này, có thể huy động nguồn từ Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, xây dựng sinh kế bền vững cho cộng đồng, có thể phát triển du lịch sinh thái. Song cần thêm sự đầu tư, có sự tham gia của doanh nghiệp để các hoạt động này hiệu quả và bền vững.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, các tiếp cận từ cộng đồng là một trong những hướng đi trong quá trình thay đổi tư duy, cách quản trị xã hội. Cộng đồng xã hội cân bằng hạn chế của Nhà nước và thị trường và là cốt lõi trong tam giác phát triển Nhà nước - thị trường - xã hội.

Bộ trưởng cho rằng, việc không tận dụng nguồn lực từ các cộng đồng có thể tạo ra một sự trông chờ, ỷ lại, làm tê liệt sáng kiến, sáng tạo và năng lượng trong cộng đồng. Như vậy, cần kích hoạt sự tham gia của các cộng đồng, như thành lập các hội quán để kích hoạt sự tham gia, tự chủ và tự lực.

Bạch Thị Hân, Đỗ Hồng Khanh, Nguyễn Thị Diệu Bình