Vợ chồng chị Lê Thị Thái, 33 tuổi, quê Trà Vinh kết hôn năm 2011. Sau đó, chị sinh lần lượt được ba con, một gái hai trai.

Ở quê, ruộng đất không có nhiều, công việc bấp bênh, hai vợ chồng chị đưa con lên Sài Gòn thuê phòng trọ ở. Tại đây chồng làm thợ hồ, chị làm phụ hồ cho các công trình xây dựng hơn 8 năm qua.

{keywords}
Bao gạo và thùng mì tôm, chị Thái nhận được của mạnh thường quân.

Có mẹ chồng lên trông cháu giúp, hai vợ chồng chị Thái tích cực làm tăng ca kiếm thu nhập hàng ngày.

Ngoài chi phí thuê trọ, ăn uống, nuôi con, vợ chồng chị cũng tiết kiệm để mua một mảnh đất đầm lầy ở quê, giá 35 triệu đồng. Hai vợ chồng dự định, gắng làm việc, tiết kiệm để về quê xây nhà, kinh doanh gì đó.

Tuy nhiên, chuyện buồn đến với gia đình họ vào cuối năm 2019. Chồng chị Thái thường thấy mệt, ăn không ngon. Anh đi khám, làm các xét nghiệm thì có kết quả bị suy gan, suy phổi. ‘Trước đó, anh ấy liên tục thấy mệt, ăn không được, nhưng cứ gắng làm để lo cho vợ con’, chị Thái nói về chồng.

Sau khi được xuất viện về nhà, ngày mồng 6 tết Nguyên đán vừa qua, chồng chị phải nhập viện cấp cứu lần nữa. ‘Nhập viện buổi sáng, buổi chiều anh mất’, nhìn lên bàn thờ chồng, nước mắt người vợ sinh năm 1987 rưng rưng.

Lo đám tang cho chồng xong, chị gạt nỗi buồn sang một bên, cùng mẹ chồng đưa ba con nhỏ, cùng di ảnh chồng lên Sài Gòn kiếm việc làm.

{keywords}
Mẹ chồng chị Thái lên phụ con dâu trông cháu nội. Ngày 7/4, bà nhận được những phần cơm của đoàn từ thiện trao. 

Đầu tháng 2, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp. Nhiều công ty, doanh nghiệp, công trình xây dựng cũng bị ảnh hưởng vì Covid-19, vì thế, chị Thái khó xin việc hơn. ‘Mỗi công trình, tôi chỉ làm mấy ngày là họ nghỉ nên phải xin chỗ khác, thành ra, thu nhập cũng bấp bênh’, người phụ nữ quê Trà Vinh nói.

Ngày 29/3, chị được một công trình xây dựng lớn nhận vào làm phụ hồ, tiền công mỗi ngày được 270 ngàn đồng. ‘Là phụ nữ, làm phụ hồ vất vả vì mang vác nặng, lại ở ngoài nắng cả ngày, nhưng tôi chọn việc này, vì làm được một tuần là nhận lương nên có đồng ra đồng vào mua sữa, đồ ăn cho con’, người mẹ ba con nói về lý do chọn công việc phụ hồ.

Đến chiều ngày 31/3, tính cả làm giờ hành chính và tăng ca, chị được 2,5 ngày công.

{keywords}
Mắt chị Thái đỏ hoe khi nhắc lại câu chuyện buồn của mình.

Kết thúc ngày làm việc hôm đó, chị Thái nhận được thông báo của ban quản lý công trình, bắt đầu từ ngày 1/4, các công nhân sẽ tạm nghỉ hai tuần để thực hiện việc cách ly toàn xã hội. 

Chạy xe từ chỗ làm về nhà trọ ở đường 14, phường Phước Bình, Quận 9, chị Thái hết thở dài lại lo lắng, không biết tới đây, mẹ con chị sẽ sống sao vì toàn bộ tiền tiết kiệm đã dùng để chữa bệnh, lo đám tang cho chồng.

‘Tôi định trả phòng rồi đưa con về quê lại, nhưng đặt xe không được. Cô chủ phòng cũng đến khuyên nên ở lại, có gì, cô ấy sẽ hỗ trợ. Một phần, tôi và con trai út đang bị bệnh, ở đây sẽ tiện để đi khám, lấy thuốc uống hơn’. Vậy nên chị quyết định ở lại Sài Gòn, gắng gượng qua mùa dịch.

{keywords}
Chị Thái cho biết, hiện chị đã nhận được hơn 30 kg gạo của các mạnh thường quân đến trao.

Căn phòng trọ của mẹ con chị Thái rộng 16 m2, ọp ẹp, giá thuê 1 triệu đồng, chưa kể điện nước. ‘Đáng ra, căn phòng này có giá thuê 1,2 triệu đồng, nhưng mẹ chồng tôi trông giúp khu trọ cho bà chủ nên được giảm. Trong tháng 4 này, khu trọ nhà tôi cũng được giảm mỗi phòng 500 ngàn đồng tiền nhà’, chị Thái thông tin.

Chị cho biết, hơn 10 ngày qua, ở nhà chăm ba con cùng mẹ chồng nhưng lòng chị như lửa đốt bởi gia đình 5 người có rất nhiều khoản phải chi mà chị thì thất nghiệp.

Để có thêm tiền mua sữa, đồ ăn cho con, chị nhận đi giúp việc nhà theo giờ, nhưng dịch bệnh nên chỉ bữa có, bữa không, thu nhập cũng không được là bao. 

{keywords}
Từ ngày 1/4 đến nay, những người lao động ở khu trọ chị Thái ai cũng thất nghiệp. 

Ngày 7/4, hội Liên hiệp phụ nữ phường Phước Bình đã thay mặt các mạnh thường quân đến khu trọ chị Thái  trao gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn cho người lao động nghèo đang thất nghiệp mùa dịch. Mẹ con chị Thái cũng được trao quà.

'Mấy hôm rồi, các đoàn từ thiện liên tục đến xóm trọ trao quà. Tôi đã nhận được 30 kg gạo, 3 thùng mì và 2 thùng sữa cho con. Tôi còn được mấy cô, mấy dì ở phường giới thiệu cho đi giúp việc nhà nữa. Công việc này không thường xuyên, nhưng tôi cũng có đồng ra đồng vào. Đây là món quà rất ý nghĩa, giúp mấy mẹ con, bà cháu nhà tôi đỡ khó khăn hơn trong những ngày sống giãn cách xã hội', người phụ nữ quê Trà Vinh nói bằng giọng biết ơn.

Chỉ về chiếc tủ lạnh, máy giặt, chị Thái cho biết, trước tết Nguyên đán, chồng chị vẫn còn đi làm được nên hai vợ chồng quyết định mua trả góp về dùng. Nào ngờ, hàng mua vừa xong thì anh bị bệnh. 'Mấy tháng qua, tôi chưa nộp cho họ đồng nào cả. Bên siêu thị điện máy họ cũng đã xuống kiểm tra và biết hoàn cảnh gia đình tôi hiện tại nên cũng tạo điều kiện', chị Thái kể.

Chị cho biết, điều chị cầu mong hiện tại là dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng được dập tắt, để chị đi làm nuôi con, trả hết số nợ đã vay.

Bà Đoàn Thị Kim Ngoan, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường Phước Bình cho biết, từ ngày 1/4 đến nay, ủy ban phường kết hợp với hội phụ nữ ngoài vận động, nhắc nhở người dân nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về dịch bệnh, còn kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ gạo, đồ ăn để giúp những người lao động nghèo.

Nói về trường hợp của chị Thái, bà Ngoan cho biết, phường đã trao hỗ trợ tiền phòng tháng 4, 5 cho chị, mỗi tháng 1 triệu đồng. Số tiền này trích từ quỹ Thắp sáng niềm tin. 'Hiện chúng tôi còn có các chương trình học bổng thắp sáng niềm tin nên tới đây, ba con của chị Thái cũng sẽ được chúng tôi hỗ trợ', bà Ngoan nói. 

Bị giật tiền giữa đêm, chị bán cá nghẹn ngào ôm 5kg gạo về nhà

Bị giật tiền giữa đêm, chị bán cá nghẹn ngào ôm 5kg gạo về nhà

 Đi chợ lấy cá về bán giữa đêm, chị Huệ bị cướp giật tiền, suýt bị gãy chân. Nhận được phần quà của đoàn từ thiện trao, chị ôm vào lòng trân trọng.  

Tú Anh - Đoàn Nga