Ở Việt Nam, bạn cần có... chỉ số IQ rất cao. Tuy nhiên, điều này không liên quan gì đến chuyện làm đường sắt cao tốc (như thời từng có ông nghị phát biểu đại khái rằng, các nước có IQ cao đều làm đường sắt cao tốc). Đa phần chỉ số đó của bạn có thể chỉ để dồn vào một "trọng sự" rất đời thường, đó là làm Người tiêu dùng thông minh.
Chẳng hạn, giờ đây bạn sẽ phải trở thành chuyên gia về mũ bảo hiểm, khi hôm qua, 1/7/2014, các lực lượng chức năng bắt đầu ra quân nhắc nhở, tiến đến xử lý các trường hợp tham gia giao thông đội mũ rởm.
Trên lý thuyết, đó là những MBH không đáp ứng được 2 tiêu chí: Thứ nhất, về cấu tạo mũ phải đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.
Thứ hai, mũ đó đã được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR (dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp hoặc được dán lên MBH bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Tiêu chí 3 lớp mũ xem ra có thể đạt. Nhưng còn với những tiêu chí mới nghe sáng như ban ngày, song càng đọc càng "ảo" kia thì sao? Rồi chẳng hạn bạn được người quen ưu ái tặng cho một chiếc mũ chuẩn sản xuất tại Nhật Bản, Đức, Mỹ..., bạn làm thế nào để kiếm được cái tem dán lên nó để đội ra đường?, v.v...
Từ ngày 1/7, người tham gia giao thông sẽ bị nhắc nhở tiến tới xử phạt nếu đội mũ bảo hiểm rởm. Ảnh minh họa |
Một vài ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hình dung mình cần thông minh tới mức nào.
Ngày 30/6, tức 1 ngày trước khi diễn ra đợt ra quân, nhiều tớ báo dẫn sự trăn trở của một đại tá trong lực lượng Cảnh sát giao thông. Theo đó "hiện lực lượng CSGT vấp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy định xử phạt người tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Đáng chú ý nhất là cách nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn hay không, đủ điều kiện lưu hành hay không. CSGT sẽ rất khó phân biệt được loại mũ đạt chuẩn chất lượng hay không vì chỉ phán đoán bằng mắt, chứ không được sự hỗ trợ từ máy móc".
Một ví dụ khác người viết đọc được từ một bài báo trên tờ Tiền Phong [1]. Phóng viên báo mua một chiếc mũ với đủ 3 lớp tiêu chuẩn và nhãn hợp chuẩn CR trên phố. Đầu tiên, họ đưa nó cho một nhân viên quản lý thị trường, người này sau khi sờ mó, nắn bóp xem xét một hồi rồi quả quyết, chiếc mũ đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Nhưng cùng chiếc mũ đó, khi được đưa đến CSGT, thì 2 anh "cầm chiếc mũ soi xét một hồi rồi phán, chiếc mũ không đảm bảo theo quy định".
Đến đây, chắc bạn đã đủ thấy mức IQ cần có dĩ nhiên không thể dừng lại ở... "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5".
Người viết bài này đã tìm lại các thông tin trước thời điểm "giờ G" thực hiện quy định bắt buộc đội MBH với người đi xe máy khi tham gia giao thông (15/12/2007). Và không ngạc nhiên khi gần 7 năm trước đã có câu chuyện ngơ ngác vì... chất lượng mũ bảo hiểm, mà "hàng thật, có tem chứng nhận, có giấy kiểm định cũng chưa chắc đã là đạt chất lượng".
Cũng trong từng đó năm, vấn đề mũ bảo hiểm rởm tại sao xử phạt người đội đã được đặt ra không dưới đôi ba lần, và lần nào cũng được bàn luận sôi nổi... như nhau.
Thế nhưng sau bấy nhiêu thời gian, có vẻ tình hình vẫn không mấy thay đổi. Chỉ khác là cuối cùng đã ban hành ra được một quy định về xử phạt mũ rởm.
Nhưng, cũng trong gần 10 năm qua, tình trạng MBH kém chất lượng vẫn trôi nổi như thế. Và các cơ quan chức năng, chẳng hạn CSGT, tiếp tục "chôn chân" trong tình thế lúng túng để xử phạt.
Và vì thế mà trọng trách của người tiêu dùng thông minh nay đã khác. Bạn sắp phải đối mặt với nguy cơ bị phạt nếu lỡ đội phải mũ rởm. Các cơ quan chức năng có thể viện dẫn lực lượng mỏng không kiểm soát được chất lượng hàng hóa để lý giải. Nhưng bạn thì đừng mong có cơ hội giải thích vì IQ chưa cao nên không phân biệt được mũ rởm - thật.
Nhiều ý kiến trên báo chí và các diễn đàn đều đánh giá, bằng quy định xử phạt này, các nạn nhân của hàng rởm đang bị biến thành đối tượng vi phạm chịu phạt. Và cứ theo như tư duy phạt kiểu này, thì rồi chúng ta sẽ phải chịu phạt khi mua phải rượu rởm, quần áo nhái, mỹ phẩm... rởm chăng? Có vào cấp cứu vì trót ăn nhầm... thực phẩm không rõ nguồn gốc cũng ráng mà đi nộp phạt.
Vậy các cơ quan chức năng như quản lý thị trường để làm gì? Ai cần chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất MBH kém chất lượng vẫn tồn tại, và mũ rởm "át vía" cả mũ chuẩn?
Song đó mới chỉ là một cấp độ. Cấp độ đáng lo ngại hơn, theo người viết, là nguy cơ trở thành "nạn nhân" của sự tùy tiện, những kẽ hở từ các quy định và lực lượng, cách thức thực thực thi chúng. Để pháp luật, kỷ cương được thực hiện nghiêm, tất cả những yếu tố trên đều cần được quy chuẩn (trước rất lâu khi làm ra những cái tem quy chuẩn dán lên đủ loại hàng hóa), khoa học, chặt chẽ, nghiêm cẩn... Từ người thực thi đến đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định đều cần nắm vững các quy định đó.
Bởi nếu không, người dân rất dễ trở thành nạn nhân của những biện pháp xử lý mang nặng ý chí chủ quan. Mà điều này, vốn không chỉ có "tiền lệ" với cái MBH.
- Hải Tâm
------
[1] Tiền phong, Lúng túng xử phạt mũ bảo hiểm, 1/7/2014.