Chi tỷ USD xuất khẩu ô tô

Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, trả lời hãng tin Bloomberg (Mỹ) mới đây cho biết, dự kiến năm 2021 Vinfast sẽ xuất khẩu ô tô điện thương hiệu Việt sang Mỹ và sẵn sàng bỏ 2 tỷ USD để đạt được mục tiêu này. “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu quốc tế. Đây sẽ là một con đường rất khó khăn và chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng chỉ có một con đường phía trước”, ông Vượng nói.

Kế hoạch sản xuất ô tô điện đã có ngay từ khi Vingroup đầu tư nhà máy ô tô Vinfast tại Hải Phòng. Vào giữa năm 2018, khi nhà máy còn đang trong quá trình xây dựng, đã ký kết với Công ty EDAG (CHLB Đức) làm đối tác kỹ thuật cho dự án xe điện và thiết kế một số mẫu ô tô điện dành cho thị trường Việt Nam.

Giữa năm 2019, khi vừa đi vào hoạt động Vinfast tiếp tục ký kết hợp tác với Công ty Kreisel Electric (Áo) để sản xuất pin ô tô điện. EDAG và Kreisel Electric đều là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực phát triển ô tô điện hiện nay.

{keywords}
Vinfast với tham vọng xuất khẩu xe điện sang Mỹ (ảnh minh họa)

Theo kế hoạch, đầu năm 2020, Vinfast sẽ đi vào sản xuất ô tô điện. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch Vinfast, từng chia sẻ: “Mẫu ô tô mà chúng tôi cho ra mắt đầu năm sau sẽ là xe điện. Chúng tôi cũng sẽ có hệ thống đổi pin nữa. Chúng tôi có thể trợ giá ô tô điện cho người tiêu dùng Việt Nam. Khi trợ giá cho chi phí sạc điện thì người tiêu dùng sẽ dễ thích nghi với xe điện hơn”.

Nếu đúng như kế hoạch thì cuối năm 2020 ô tô điện mang thương hiệu Việt sẽ ra đời, sau xuất khẩu sang Mỹ.

Với thị trường ô tô Việt Nam quy mô còn nhỏ thì việc xuất khẩu ô tô là hướng đi cần thiết để tồn tại và phát triển sản xuất. Công ty ô tô Trường Hải vừa nâng cấp nhà máy Kia từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm, tới 2020 sẽ xuất khẩu một số mẫu xe Kia sang thị trường Philippines. Công ty TC Motor năm 2020 sẽ đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Hyundai mới công suất 100.000 xe/năm, ngoài tiêu thụ nội địa, thị trường xuất khẩu quan trọng sẽ là Philippines, quốc gia đông dân hơn Việt Nam, nhu cầu về ô tô đang tăng và ngành công nghiệp ô tô kém phát triển. Vinfast ngay từ khi thành lập cũng đặt mục tiêu xuất khẩu ô tô.

Với ô tô điện thị trường Việt Nam đến nay còn chưa có. Vướng nhất chính là hạ tầng. Muốn xe điện hoạt động được phải có hệ thống các trạm sạc pin. Đến nay hệ thống sạc mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm với vài trạm, vì vậy chưa thể đáp ứng nhu cầu. Về chính sách ưu đãi, ô tô điện hiện nay mới chỉ được hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt 15%, vì vậy, cũng không hấp dẫn với người tiêu dùng.

Nếu xuất khẩu xe điện thành công, sẽ giúp tăng sản lượng, duy trì sự hoạt động của DN. Xuất khẩu xe điện sang Mỹ là thị trường vốn có tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn rất cao. Thâm nhập được vào thị trường này thì thương hiệu sẽ có tên tuổi và có thể xuất khẩu đi khắp thế giới.

Cuộc chơi tốn kém

Tuy nhiên, để xuất khẩu xe điện vào Mỹ không hề dễ dàng. Hệ thống tiêu chuẩn an toàn của Mỹ rất phức tạp, với các quy định riêng dành cho đường sá và phương tiện. Chẳng hạn, nhà sản xuất xe hơi phải chứng minh được rằng mọi bộ phận của xe không ảnh hưởng đến con người và môi trường. Đó là nhiệm vụ cực kỳ phức tạp, bởi một chiếc xe có thể có tới chục nghìn chi tiết và do nhiều nhà sản xuất khác nhau cung cấp.

{keywords}
Việt Nam đến nay vẫn chưa có thị trường ô tô điện

Rủi ro với xe bán tại thị trường Mỹ cũng rất cao. Bất kỳ một lỗi nào ở ô tô bị phát hiện trong những cuộc kiểm tra ngẫu nhiên ở Mỹ cũng sẽ dẫn việc phương tiện bị triệu hồi, nhà sản xuất bị phạt nặng và đối mặt với khủng hoảng truyền thông. Ví dụ, Toyota phải triệu hồi hơn 10 triệu xe hồi năm 2009 và 2010 do xe bị lỗi tăng tốc bất ngờ vì chân ga có vấn đề. Năm 2014, Toyota chấp nhận nộp phạt 1,2 tỷ USD sau khi chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra vụ việc.

Ngoài ra, để bán xe ở Mỹ, các hãng xe phải thành lập một hệ thống đại lý. Điều đó đòi hỏi hạ tầng, đào tạo, thỏa thuận với chính quyền các địa phương,... Tất cả đều mất thời gian và tốn kém.

Hiện tiêu thụ ô tô điện chỉ chiếm khoảng 2% tổng số ô tô bán ra tại Mỹ hàng năm. Tesla là thương hiệu dẫn đầu, tuy có doanh số bán cao nhất, nhưng vẫn đang thua lỗ.

Thời gian qua, một số tập đoàn ô tô Trung Quốc cũng có tham vọng thâm nhập thị trường ô tô điện của Mỹ, nhưng không thành công. BYD là nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu Trung Quốc mới đây cũng chỉ bán được số lượng nhỏ xe buýt điện, do được Chính phủ Mỹ hỗ trợ chi phí sử dụng.

Các mẫu xe của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ và thua xa so với xe điện của Tesla, GM hay Ford,... Hầu hết mẫu xe điện của Trung Quốc có phạm vi hoạt động chưa đến 300 km, trong khi của Mỹ là trên 400 km. Pin xe điện Trung Quốc tương đối nặng và có kích thước lớn. Vấn đề an toàn cũng gây lo ngại cho người sử dụng bởi có thể bị cháy nổ.

Các khảo sát gần đây cho thấy, người mua xe tại Mỹ kỳ vọng giá bán của các mẫu ô tô điện ở mức 35.000 USD, kèm với các ưu đãi cũng như giảm giá từ cửa hàng. Về phạm vi hoạt động, xe điện cần đi được từ 400-480 km, trước khi phải dừng lại sạc. Đó còn chưa kể uy tín thương hiệu, chi phí sửa chữa, thay thế linh kiện và chất lượng dịch vụ sau bán hàng,... Để thâm nhập thị trường Mỹ thành công, các DN phải đáp ứng được những đòi hỏi này từ khách hàng.

Hạn chế lớn nhất đối với ô tô thương hiệu Việt muốn xuất khẩu là chưa có tên tuổi trên thị trường quốc tế. Việc sản xuất và chứng minh rằng ô tô điện Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao nhất thế giới là điều không hề dễ dàng, chắc chắn sẽ là công cuộc rất tốn kém tiền của, công sức và cả thời gian.

Trần Thủy

Nguồn năng lượng mới, 1 lần cắm điện ô tô đi cả ngàn cây số

Nguồn năng lượng mới, 1 lần cắm điện ô tô đi cả ngàn cây số

Các nhà sản xuất ô tô đang đầu tư mạnh cho việc phát triển pin thể rắn để tạo ra những chiếc xe sạc pin nhanh như đổ xăng và đi tới cả nghìn km mới hết điện.