Bàn cách giữ khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn

Sáu tỉnh Việt Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang không thua kém bất cứ khu vực nào. Về tự nhiên, Việt Bắc được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, hùng vĩ như: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Na Hang (Tuyên Quang).

Tại đây có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa quan trọng tại các khu du lịch Định Hóa (Thái Nguyên), Tân Trào (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Pác Bó (Cao Bằng)… Đây cũng là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Lô Lô… được thể hiện qua các phong tục, tập quán, nghi thức dân gian, dân ca, dân vũ, các lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn…

{keywords}
Liên kết và tạo sản phẩm chung chính là “chìa khóa” để du lịch Việt Bắc có những đột phá trong thời gian tới. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, dường như có nhiều lựa chọn khiến cho du lịch Việt Bắc thiếu điểm nhấn, thiếu mối liên kết hiệu quả và sản phẩm bị trùng lặp. Tại tọa đàm “Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc”, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng du lịch Việt Bắc chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính những người làm du lịch tại đây; sản phẩm, dịch vụ chưa đánh thức được nhu cầu của du khách.

Bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, cùng với sự đa dạng về các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch, hiện nay vùng Việt Bắc cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, phong phú về các loại hình sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, việc liên kết phát triển du lịch của vùng Việt Bắc mới chỉ dừng lại ở hình thức trao đổi kinh nghiệm, hoạt động liên kết chủ yếu là tổ chức các sự kiện, chưa thực sự đem lại hiệu quả cho các doanh nghiệp, chưa đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế địa phương.

Theo ông Nguyễn Tuấn Linh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn, mối liên kết giữa các tỉnh Việt Bắc đã có nhưng sản phẩm còn trùng lặp, chưa có sự đào sâu nghiên cứu để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù. Chưa có sản phẩm đặc thù, chưa có hạ tầng du lịch quy mô lớn thì rất khó để giữ khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn mà thường chỉ đi qua nhanh chóng.

Liên kết và tạo sản phẩm chung

Đa số ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp tại tọa đàm “Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc” cho rằng, liên kết và tạo sản phẩm chung chính là “chìa khóa” để du lịch Việt Bắc có những đột phá trong thời gian tới.

Về loại hình du lịch, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, với các tỉnh Việt Bắc thì yếu tố văn hóa sẽ là sản phẩm bền vững, khác biệt và mang giá trị lâu dài. Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, du lịch trải nghiệm văn hóa Việt Bắc mới là điểm nhấn chinh phục du khách, vì một số sản phẩm thiên nhiên dễ bị trùng lặp với những nơi khác. Cần tận dụng ngay thế mạnh sẵn có rồi tạo ra những sản phẩm đơn giản, dễ đi, thuận tiện cho du khách.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội - Công ty Vietravel cho rằng, 6 tỉnh Việt Bắc cần kết nối chặt chẽ hơn và tìm ra “tiếng nói chung” về sản phẩm để mang đi xúc tiến, quảng bá: “Các điểm đến tại Việt Bắc đã tương đối quen thuộc với du khách phía Bắc, tuy nhiên với khách miền Trung, miền Nam thì chưa có nhiều. Để khai thác thị trường tiềm năng này, từ 6 quyển sách giới thiệu du lịch của 6 tỉnh như hiện nay, các tỉnh Việt Bắc nên tập hợp để rút thành 1 quyển và giới thiệu sản phẩm cụ thể gồm các tour, điểm du lịch, các khách sạn, nhà hàng uy tín… Từ đó, các công ty lữ hành mới có thể xây dựng dịch vụ cung cấp cho du khách”.

Về quảng bá du lịch, ông Vũ Thế Bình cho biết, khi đi xúc tiến ở các thị trường mới thì việc liên kết, phối hợp luôn mang lại hiệu quả tốt, tiết kiệm chi phí và đúng mục tiêu. Thay vì chỉ tổ chức các hoạt động luân phiên tại 6 tỉnh, nên có những ngày du lịch, tuần du lịch Việt Bắc tại các trung tâm du lịch lớn của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Ông Phạm Văn Bảy đề nghị, các tỉnh Việt Bắc xây dựng sản phẩm và xúc tiến du lịch theo các giai đoạn trong năm, ví dụ du lịch theo các mùa hoa, mùa hè thì xúc tiến các điểm tham quan văn hóa, lịch sử còn cuối năm thì thu hút các đoàn khách MICE.

Trong nhiều năm qua, ngành du lịch các tỉnh Việt Bắc đã duy trì tổ chức chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Đây là cơ chế liên kết, hợp tác quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các tỉnh, là cầu nối giúp các doanh nghiệp mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch Việt Bắc với cả nước.

Riêng với tỉnh Thái Nguyên, chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2021 cũng là dịp để địa phương rà soát các tuyến, điểm du lịch và kết nối phát triển sản phẩm, thu hút du khách. Tới đây, Thái Nguyên sẽ giới thiệu hai sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm tour du lịch văn hóa, lịch sử, về nguồn (Di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; Di tích đền Đuổm; Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa Thái Nguyên) và tour du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng (Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, trải nghiệm văn hóa dân tộc Tày bản làng Thái Hải, khám phá văn hóa trà tại vùng chè Tân Cương).

Thu Hà