- Đã 6 năm qua, ngày nào cũng vậy, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre (BĐBP Hà Tĩnh) thức dậy từ lúc tinh mơ, đi từng gian nhà sàn, gõ từng cánh cửa, gọi từng em học sinh dân tộc Chứt tới trường.
Khi Trung tá Dương Thanh Tịnh tới gọi đi học thì nhiều học sinh vẫn đang ngái ngủ. |
Đồng hồ báo thức di động
Bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) - nơi 37 hộ với 135 người dân tộc Chứt đang sinh sống nằm ở vùng rừng núi hoang sơ, ngay dưới chân núi Ka Đay hùng vĩ.
Lúc chúng tôi tới nơi, trời cũng đã nhá nhem tối. Từ xa, những ngôi nhà gỗ của người Chứt chạy quanh, yên bình dưới núi rừng trung điệp.
Hướng ánh mắt ra xa, Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre (BĐBP Hà Tĩnh) chia sẻ, mới đó mà đã 25 năm, kể từ khi BĐBP đưa người Chứt về trú ngụ ở bản Rào Tre.
“Để người Chứt thực sự hòa nhập với cuộc sống của thế giới văn minh, hiện đang còn gian nan lắm”, trung tá Tịnh chia sẻ.
Ngay việc cho học sinh Chứt tới trường cũng rất khó khăn. Sáng nào, anh Tịnh cũng phải tới gọi từng em dậy đi học.
Nhìn vẻ mặt không hiểu chuyện của chúng tôi, trung tá Tịnh tiếp lời: "Nếu các anh muốn biết, sáng sớm ngày mai, đi cùng với tôi".
Đã 6 năm qua, không kể mùa đông hay mùa hè, trời chưa sáng thì trung tá Tịnh đã dậy và đến từng nhà để gọi trẻ em dậy đi học. |
5h40, chúng tôi theo chân trung tá Tịnh đi khắp bản. Ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi ghé nằm kế bên Tổ công tác, nhà của bà Hồ Thị Nam. Nhà bà Nam có 2 cháu đang độ tuổi tới trường là Hồ Thị Xuân Hiên (lớp 4) và Hồ Đức (lớp 2).
"Hiên ơi, Đức ơi.! Dậy đánh răng, rứa mặt rồi qua nhận sữa, lấy xe để đi học", anh Tịnh gọi.
Sau mấy tiếng gọi, ngôi nhà vẫn im phăng phắc. Anh Tịnh lại gọi thêm mấy lần. Lúc này, có một người phụ nữ đầu tóc lù xù từ trong nhà bước ra, giọng lí nhí: "Hai đứa vẫn đang ngủ chú ạ".
"Đấy, chú coi, đến bố mẹ chúng còn ngủ thì lấy ai đánh thức chúng dậy đi học. Trước đây, khi đi gọi mấy đứa, mình còn phải cầm theo "cái "roi" (một cành cây nhỏ). Đứa nào không nghe lời, phải đưa roi ra chúng mới chịu dậy", Trung tá Tịnh lắc đầu nói.
Nói là roi nhưng với bà con dân bản, đó chỉ là sự yêu thương, quan tâm của trung tá Tịnh đối với trẻ em ở đây.
"Phụ huynh" của học sinh Chứt
Trung tá Tịnh luôn theo sát, để đảm bảo rằng, các học sinh luôn tới lớp đầy đủ. |
Dù đã gần 6h30 nhưng sau một vòng đi quanh bản, nhà nào cũng đang "đóng cửa cái then" im lìm. Phải khi Trung tá Tịnh tới gọi cửa thì lúc ấy các gia đình mới đánh thức con cái họ dậy rửa mặt.
Ở Rào Tre, có tất cả 42 em ở trong độ tuổi tới trường. Ngoài 17 học sinh học trường Dân tộc nội trú (thị trấn Hương Khê), 2 em học ở miền nam thì 8 em mầm non, 15 tiểu học, học ở trong xã.
Để "vận động" được 23 học sinh này tới trường là cả một quá trình khá gian nan.
Các học sinh Chứt tới Tổ công tác của BP nhận sữa, nhận xe đạp đi học. Học xong, các em sẽ đưa xe về để tại Tổ công tác. Xe bị hỏng hóc gì các chú biên phòng đều tự sửa giúp. |
Ông Đinh Xuân Thường, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hương Liên cho hay, trước đây, khi trường THCS&THPT Dân nội trú Hương Khê còn tiếp nhận học sinh lứa mầm non và tiểu học thì không sao.
Nhưng cách đây 6 năm, có quy định trường nội trú chỉ nhận học sinh từ lớp 6 trở lên, học sinh mầm non, tiểu học sẽ theo học tại các trường của xã. Nên các em học sinh Chứt không còn "mặn mà" chuyện tới trường.
Cũng từ đó, trung tá Dương Thanh Tịnh trở thành "đồng hồ báo thức" cho học sinh Chứt tới trường đều đặn.
Trung tá Dương Thanh Tịnh - chiếc đồng hồ báo thức di động của học sinh Chứt. |
Nói về những ngày đầu, trung tá Tịnh kể, công việc này tưởng như đơn giản nhưng lại rất mệt. Bởi học sinh nơi đây chẳng hề "tự giác", chúng cứ ngủ "đã đời" rồi la cà từ đầu tới cuối bản.
“Có khi, nghe thấy tiếng mình ở đầu bản là một số em lại bỏ lên rừng, gần trưa mới dám mò xuống vì sợ "bắt" đi học”, anh nhớ lại.
Những đứa trẻ sau khi được đánh thức, vệ sinh xong sẽ được dẫn qua Tổ công tác để nhận sữa, xe đạp đi học. Kể cả việc đơn giản này, anh Tịnh cũng phải kèm, bởi, một số đứa khi không thấy anh thì quay lại…ngủ tiếp.
"Mình còn phải đi cùng chúng tới gần trường rồi mới về. Chứ nhiều khi, mấy đứa ham chơi, không vào trường mà đạp xe đi chơi. Ngày nào, mình ốm đau hay bận việc, không đi gọi từng đứa thì i như rằng, ngày đó, các em lại không tới lớp.
Những hôm hơi mệt thì mình cố gắng đi. Lúc đau không đi được, phải nhờ người khác gọi thay. Mình làm thế, để cho các cháu vào nế nếp, tự giác", vị tổ trưởng chia sẻ.
Nhờ sự tận tình của trung tá Dương Thanh Tịnh, hàng chục học sinh Chứt đã dần đã hình thành được sự tự giác, chăm chỉ tới lớp. Thế nhưng, đã thành thói quen, sáng nào trung tá Tịnh vẫn tới từng nhà, gõ từng cánh cửa để thức các em học sinh dân tộc Chứt tới trường.
Anh Tịnh tâm sự: "Phải giúp các em có con chữ, để sau này còn giúp người Chứt hòa nhập với cộng đồng".
- Văn Đức - Duy Tuấn