- "Chiếm đoạt lãnh thổ của nước khác không phải là cách giúp cho anh trở thành cường quốc, được nhìn nhận xứng tầm cường quốc, hay giúp anh gây dựng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Không, cách làm mang tư duy hẹp hòi như vậy chỉ khiến cho một nước lớn trở nên tầm thường đi" - Ts Anders Corr (Mỹ) bình luận.
VietNamNet giới thiệu kỳ 1 bàn tròn với ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ Ban Đối ngoại TƯ Đảng và Ts Anders Corr (Harvard), chuyên gia phân tích chính trị quốc tế.
Nhà báo Việt Lâm: Xin chào quý độc giả VietNamNet. Năm 2014 sắp trôi qua và một năm mới lại đến. Mời quý độc giả hôm nay cùng nhìn lại những sự kiện nổi bật ở châu Á Thái Bình Dương cũng như dự đoán những diễn biến trong những năm tới. Xin giới thiệu hai khách mời tham gia bàn tròn hôm nay: Ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ Ban Đối ngoại TƯ Đảng và Ts Anders Corr, chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, cây bút bình luận quen thuộc của Bloomberg và Financial Times.
Giàn khoan rút đi nhưng các hố khoan vẫn nằm lại
Thưa hai vị khách mời, khi nhìn lại rất nhiều sự kiện đã xảy ra trong năm qua ở châu Á – Thái Bình Dương, theo các ông sự kiện nào là quan trọng nhất, có tầm tác động sâu sắc tới chính trị khu vực?
Ts Anders Corr: Tôi nghĩ hai sự kiện quan trọng nhất trong chính trị khu vực năm vừa qua là sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN và việc họ tiếp tục chiếm đóng bãi cạn Scaborough của Philippines. Đó cũng là những sự kiện nổi bật trong quan hệ quốc tế trên toàn cầu, bên cạnh những gì đang diễn ra ở Ukraine.
Ông Bùi Thế Giang: Tôi muốn trả lời câu hỏi này ở góc nhìn rộng hơn. Tôi sẽ không chọn một sự kiện đơn lẻ mà tôi nghĩ đến một nhóm các sự kiện có cùng bản chất. Theo tôi, đó là nhóm các vấn đề liên quan đến các bên tranh chấp trên biển, như biển Hoa Đông và biển Đông. Xét trên khía cạnh này, tôi hoàn toàn đồng ý với Ts Corr.
Nhóm sự kiện thứ hai là các hội nghị thượng đỉnh bàn về các vấn đề kinh tế trong khu vực, đặc biệt là APEC vừa diễn ra hồi tháng 11 ở Bắc Kinh, Thượng đỉnh G20 ở Brisbane, Australia; Hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng hải và ngày mai là Hội nghị Tiểu vùng Mekong mở rộng ở Bangkok. Đây là những sự kiện ít hay nhiều có cùng bản chất và ảnh hưởng sâu sắc đến các nước như VN.
Việt Lâm: Giờ chúng ta sẽ đi vào một sự kiện cụ thể mà cả hai ông đều cho rằng là sự kiện nổi bật nhất trong khu vực năm qua, sự kiện TQ kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của VN. Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi Trung Quốc rút giàn khoan, các ông nhìn nhận như thế nào về tác động của sự kiện này?
Ông Bùi Thế Giang: Nói một cách chính thức thì lập trường của VN đã được tuyên bố rất rõ rang trong các cuộc họp song phương cũng như các diễn đàn đa phương. Các quan điểm này cũng rất nhất quán với chính sách lâu nay của VN khi ứng phó với những vấn đề lien quan đến chủ quyền trên biển, hay những vấn đề nổi lên trong quan hệ song phương Việt – Trung.
Tôi nhớ cách đây 10 năm, tôi có một cuộc thảo luận với Ernest Bower, lúc đó đang là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, hiện là Chủ nhiệm ban nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS). Chúng tôi bàn chuyện tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ. Ernest hỏi tôi một số câu hỏi liên quan đến quan hệ Việt – Mỹ. Và rồi ông ấy hỏi tôi: “Giang, ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa Trung Quốc và VN?”. Tôi nhớ, tôi đã trả lời ông ấy rằng “Ồ, trong những năm tiến hành đổi mới, mở cửa với thế giới, VN đã có thêm rất nhiều bạn mới, đối tác mới. Nhưng chúng tôi chưa từng có và sẽ không bao giờ có láng giềng mới”.
Đó là một thực tế. Trung Quốc không chỉ là một nước láng giềng mà còn là một nước lớn. Chúng tôi đã có một lịch sử rất dài với nước này. Nhiều người bên ngoài nghĩ rằng VN hiểu rõ họ hơn bất kỳ ai. Chúng tôi sẽ không dám nhận vinh dự này. Những gì tôi chỉ có thể nói là chúng tôi có biết về Trung Quốc, từ trải nghiệm của riêng mình trong quan hệ song phương với Trung Quốc.
Và xét từ góc nhìn đó và từ trong tiến trình đó, tôi sẽ nói là chúng tôi có một bức tranh khá phức tạp về Trung Quốc như một nước lớn với rất nhiều tham vọng, trong đó tham vọng gần đây nhất mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố là “Giấc mơ Trung Hoa”. “Giấc mơ Trung Hoa” cần được nghiên cứu, giải mã và hiểu một cách thấu đáo, cẩn trọng. Tôi đã gặp nhiều người Trung Quốc giải thích “giấc mơ Trung Hoa” theo nhiều cách khác nhau, chưa kể đến những học giả nước ngoài.
Quay trở lại sự kiện giàn khoan 981 và tác động của nó. Tôi nhớ ngay khi họ kéo giàn khoan vào vùng EEZ của VN ngày 2/5, tôi đã nói với bạn bè tôi rằng: “Hãy chờ xem, họ sẽ rút giàn khoan thôi. Họ sẽ không ở đó lâu, ít nhất là vào thời điểm này. Họ sẽ viện rất nhiều cớ để rút giàn khoan”. Tuy nhiên, khi quốc gia của mình bị xâm phạm, khi lãnh thổ của mình bị , bạn đòi hỏi kẻ xâm phạm phải rút lui ngay tức khắc và vô điều kiện. Đó là nguyên tắc bất biến, không có gì phải nghi ngờ. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng biết rằng làm thế nào để ứng xử cho khéo léo mà giải quyết được vấn đề. Tôi muốn nhắc lại điểm này. Chúng ta đang ở trong mối quan hệ với một láng giềng nước lớn như vậy. Chúng ta làm mọi thứ có thể được nhưng không bao giờ kích động xung đột quân sự. Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể, ngoại trừ điều đó.
Tôi cũng muốn nhắc lại điều mà tôi đã nói 5 tháng trước, rằng họ sẽ rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của VN nhưng các hố khoan vẫn nằm lại đó. Chẳng ai bỏ ra hơn 1 tỷ USD xây dựng giàn khoan này chỉ để trình diễn cho vui cả. Vì thế, chúng tôi vẫn luôn luôn cảnh giác. Và sự thực là hãy nhìn xem họ đang làm gì ở một số bãi đá ngoài Biển Đông kia? Họ không chỉ duy trì sự hiện diện ở đó, mà còn đang tìm mọi cách nâng cấp, tôn tạo và mở rộng chúng.
Ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TƯ Đảng trao đổi với Ts Anders Corr. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việt Lâm: Thế còn Ts Corr, ông có nghĩ rằng sự kiện giàn khoan 981 đã thay đổi phần nào nhìn nhận của giới học giả cũng như công chúng Mỹ về Trung Quốc không?
Ts Corr: Tôi tin là có. Nhưng tôi có một câu hỏi cho ông Giang. Ông có thể giải thích rõ hơn về những mũi khoan mà Trung Quốc để lại không? Có phải là một cái hố lớn và hố khoan sẽ hữu dụng khi họ cần đến không?
Ông Bùi Thế Giang: Tôi không biết nhưng họ đã tạo ra các mũi khoan ở đó. Như ông biết đấy, họ tuyên bố rằng họ đã thu thập một số mẫu vật ở đó và kết luận rằng họ đã hiểu rõ hơn về trữ lượng dầu khí dưới đáy vùng biển này. Nhưng tôi nghĩ đến một giả định, một khả năng lớn hơn là một ngày nào đó họ sẽ nói rằng: đây này, nhìn này, đây là những bằng chứng chứng minh chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc!
Phản ứng của VN làm nổi bật hành xử của TQ
Ts Corr: Đó hoàn toàn là một khả năng có thể xảy ra nếu căn cứ vào những gì Trung Quốc đã làm. Quay trở lại câu hỏi của bạn về bình luận của tôi đối với sự kiện giàn khoan. Tôi nghĩ rằng không có gì nghiêm trọng hơn trong quan hệ quốc tế bằng việc một quốc gia xâm nhập trái ý muốn vào lãnh thổ của một quốc gia khác. Phản ứng của VN hoàn toàn đúng đắn. Thẳng thắn mà nói tôi rất ấn tượng với cách tiếp cận của VN, một cách tiếp cận phi bạo lực, ôn hòa nhưng rất kiên quyết. Các bạn đã rất kiên định phản đối hành động của Trung Quốc. Tôi tin là cộng đồng quốc tế đều đánh giá phản ứng của VN là thận trọng và hợp lý. Hầu hết mọi người đều ấn tượng với phản ứng này và tôi cho rằng đó là một quyết định khôn ngoan, mang tầm chiến lược. Phản ứng như thế của VN cũng đã làm nổi rõ hơn hết hành vi của Trung Quốc trong con mắt của thế giới. Nó cho thấy Bắc Kinh đang xâm phạm bất hợp pháp và bất công lợi ích của nước khác. Tôi nghĩ rằng sự kiện giàn khoan, theo một cách nào đó đã "mở mắt" cho nhiều người ở Mỹ, trên thế giới và có lẽ ngay cả ở VN.
Mặt khác, theo tôi, sự kiện giàn khoan 981 cũng mở đường cho hợp tác chặt chẽ hơn giữa VN và Philippines. Rõ ràng, VN và Philippines là hai nước có chung lợi ích trong việc này và tôi nghĩ sẽ không khó để hai nước đi tới một thỏa thuận nào đó giải quyết tranh chấp lãnh thổ hiện tại ở Biển Đông. VN và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau trên Biển Đông nhưng hai bên có thể phân định rõ vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Trở lại với đường 9 đoạn, 10 đoạn, hay 11 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đường chữ U này liên tục thay đổi nhưng nó chỉ chứng minh một điều rằng đó là một đòi hỏi chủ quyền cực kỳ phi lý. Soi vào luật pháp quốc tế thì thấy rõ nó chẳng có một cơ sở pháp lý nào hết. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền dựa trên cái mà họ gọi là "vùng nước lịch sử". Nếu tuyên bố chủ quyền của họ là hợp pháp thì họ đã chẳng phải nỗ lực để tạo ra bằng cớ trên thực địa như họ đang làm, như việc họ viện trợ cho các tàu đánh cá của ngư dân ồ ạt tiến sâu xuống biển Đông. Tôi tin là theo thời gian, một loạt những biện pháp mà VN đang triển khai sẽ làm đậm hơn ứng xử khiêu khích của Trung Quốc và hy vọng rằng cuối cùng thì áp lực từ công luận quốc tế sẽ buộc họ phải cư xử ôn hòa hơn, thậm chí phải chấp nhận tham gia tranh tụng tại tòa án quốc tế.
Vụ giàn khoan chứng minh những gì VN hiểu về TQ là đúng
Ông Bùi Thế Giang: Tôi muốn nhấn mạnh và một trong hai luận điểm mà ông Corr vừa nêu ra. Một là, ông Corr cho rằng sự kiện giàn khoan 981 đã "mở mắt" cho nhiều người Mỹ cũng như VN về Trung Quốc. Về phần người VN, ít nhất là cá nhân tôi, vì tôi không thể nói thay cho mọi người VN được, thì điều khiến tôi ngạc nhiên là: Sau rất nhiều thăng trầm trong quan hệ song phương giữa hai nước VN và Trung Quốc thời hiện đại, và sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào tháng 11/1991, cả hai nước, đặc biệt là phía VN đã nỗ lực hết sức mình để biến quan hệ giữa hai bên trở nên thực sự bình thường, chẳng hạn như tăng cường trao đổi thương mại, kinh tế, giao lưu giữa nhân dân với nhân dân, chính phủ với chính phủ, giữa hai đảng với nhau. Mọi thứ đang diễn ra khá tốt đẹp và cuối năm ngoái thì Thủ tướng Lý Khắc Cường sang thăm VN. Cả hai bên đều hài lòng và khi đó nhiều người VN đã nghĩ đây là thời điểm tốt đẹp cho mối quan hệ song phương Việt - Trung. Thế nhưng ngày vui chẳng được bao lâu, họ kéo giàn khoan vào vùng biển của chúng tôi. Điều đó khiến tôi thực sự ngạc nhiên.
Nhưng tôi xin nói thẳng rằng sự kiện giàn khoan không hề "mở mắt" cho tôi. Bởi vì như tôi đã đề cập trước đó khi ông nói rằng VN hiểu Trung Quốc hơn bất kỳ ai trên thế giới này. Tôi xin nhắc lại rằng chúng tôi có biết chút ít về người Trung Quốc và đặc biệt hiểu rõ quan hệ song phương Việt - Trung. Và nếu từ khía cạnh này thì sự kiện giàn khoan không có gì mới cả. Đối với tôi, đó là một điều có thể hiểu được, nếu như chúng ta nghĩ về cả một tiến trình lịch sử dài hàng ngàn năm VN quan hệ với Trung Quốc. Sự kiện giàn khoan chỉ chứng minh những gì VN hiểu về Trung Quốc là đúng. Điều duy nhất khiến tôi ngạc nhiên là thời điểm diễn ra sự kiện.
Ý thứ hai ông nói về Philippines rất thú vị. VN có những vấn đề về lãnh thổ với Philippines ở quần đảo Trường Sa. Hai bên có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ xảy ra những vấn đề như đã xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc. Nói cách khác, chúng tôi chưa bao giờ hành xử với Philippines và ngược lại Phillipines cũng chưa bao giờ ứng xử với chúng tôi như kiểu Trung Quốc đã làm vừa qua. Ngay cả khi hai bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thì hải quân hai nước vẫn vui vẻ chơi bóng đá, bóng chuyền với nhau một cách hữu hảo. Cho nên, cách tiếp cận như thế nào đối với tranh chấp chủ quyền có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TƯ Đảng, là một trong hai người VN đầu tiên được cử đi học thạc sĩ QHQT tại John Hopkins khi Mỹ còn đang cấm vận VN. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ts Corr: Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nếu các nước khác trong khu vực đều có cách tiếp cận như VN với Phillipines thì tôi tin khu vực này sẽ hòa bình hơn nhiều. Tôi hi vọng rằng chí ít trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ bày tỏ thiện chí đáp lại. Tôi đã từng đề xuất rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế nên xem xét đến những phản ứng mạnh mẽ hơn một khi TQ đi quá xa, tiếp tục những hành vi khiêu khích của họ trên Biển Đông.
Tôi biết, người Mỹ khó mà tưởng tượng ra mình có thể cấm vận kinh tế với Trung Quốc bởi vì quy mô khổng lồ trong quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, rồi thì Bắc Kinh đang nắm giữ hàng nghìn tỷ USD nợ của Chính phủ Mỹ, và giới kinh doanh Mỹ thì đã đổ cả trăm tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc. Mối quan hệ kinh tế này có ảnh hưởng sâu sắc lên chính giới Mỹ, giới học giả cũng như công chúng Mỹ.
Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng một khi người dân Mỹ hiểu rõ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, họ sẽ bắt đầu xem xét đến những phản ứng mạnh mẽ hơn. Hi vọng rằng đó sẽ là một cách thức hòa bình để đưa Trung Quốc quay trở về cộng đồng các quốc gia với cách tiếp cận giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình. Tôi nghĩ hi vọng của tôi có cơ sở bởi vì Trung Quốc là một cường quốc khá thận trọng trong các toan tính chiến lược của mình.
Trông đợi TQ hành xử xứng tầm nước lớn
Ông Bùi Thế Giang: Tôi cũng hi vọng như vậy. Nhưng tôi có một bình luận, hay là một câu hỏi thế này. Một thực tế gần như hiển nhiên là hầu như mọi quốc gia trong cộng đồng quốc tế đều đã lên tiếng phản đối Trung Quốc kéo giàn khoan vào EEZ của VN. Thậm chí cả những quốc gia trung lập như là EU chẳng hạn cũng lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982. Ông có nghĩ rằng Trung Quốc, nhất là giới lãnh đạo Trung Quốc đã suy nghĩ lại về những gì họ đã làm không? Khi mà mọi thứ đang rất suôn sẻ với họ, nhưng chỉ vì cái giàn khoan kia mà cả thế giới phản đối họ? Liệu đó có phải là một bài học cho họ không?
Ts Corr: Tôi nghĩ là có. Tôi hi vọng là Bắc Kinh đã rút ra được bài học cho mình. Nhưng mà cũng phải nhắc lại là họ đã chứng kiến những phản ứng mạnh mẽ tương tự khi họ chiếm bãi cạn Scaborough của Philippines hay khi họ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ với Nhật Bản. Vậy mà họ vẫn muốn phô trương sức mạnh quân sự của mình.
Giờ đây, nếu anh là một nước lớn, một nền văn minh lớn như vậy, có rất nhiều việc anh có thể làm với sức mạnh đó, chẳng hạn theo những cách thức về mặt kinh tế, văn minh hay tri thức. Anh hoàn toàn có thể tạo dựng ảnh hưởng theo một cách thức hòa bình. Anh có thể nỗ lực để cải thiện cuộc sống của nhân dân nước anh, cải thiện cuộc sống của người dân nước khác bằng cách đóng góp tiền của cho viện trợ quốc tế. Rất nhiều thứ anh có thể làm với tư cách một cường quốc trên thế giới. Nhưng bằng việc chiếm đoạt lãnh thổ của nước khác không phải là cách giúp cho anh trở thành cường quốc, được nhìn nhận xứng tầm cường quốc, hay giúp anh gây dựng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Không, cách làm như vậy chỉ khiến cho một nước lớn trở nên nhỏ bé đi, một nước lớn chỉ quan tâm đến những điều vụn vặt. Tôi tin rằng chỉ khi một nước lớn thúc đẩy những giá trị toàn cầu, chẳng hạn như bảo vệ môi trường, mới chứng tỏ anh ta xứng tầm nước lớn, chứ không phải bằng cách lấn chiếm lãnh thổ của nước khác. Đó chỉ là những việc làm mang tầm tư duy nhỏ hẹp.
Ts Anders Corr có bằng Tiến sỹ về quan hệ quốc tế tại ĐH Harvard, từng là chuyên gia phân tích lâu năm cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Bùi Thế Giang: Tôi rất thích từ mà ông sử dụng "những việc mang tầm tư duy hẹp hòi", chứ không phải là nước nhỏ. Tôi nghĩ đến những nước như Singapore, hay Brunei chẳng hạn. Họ là những nước rất nhỏ trên bản đồ thế giới. Nhưng những nước nhỏ với niềm tự hào và tự tôn sẽ không bao giờ hành xử như thế.
Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ông rằng chúng ta chỉ có thể mong đợi và hi vọng rằng Trung Quốc sẽ hành xử xứng tầm một nước lớn. Nhận xét của ông làm tôi nhớ đến tầm nhìn của ông Brezinski, một cố vấn an ninh quốc gia có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở Mỹ. Tôi nhớ đã đọc bài phát biểu của ông ấy tại ĐH Stanford tháng 4/2003, gần 12 năm trước. Ông ta phân tích về các đối thủ tiềm năng của Mỹ. Ông ấy phân tích về Nga, EU, Ấn Độ, Nhật Bản. Và sau cùng ông ấy tập trung vào Trung Quốc. Hãy nhớ rằng gần 12 năm trước, Trung Quốc mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. Và năm 2002, Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội Toàn quốc lần thứ 16. Tôi nhớ tại Đại hội đó, họ đã đề ra mục tiêu Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2020. Vậy mà chỉ 2-3 năm sau, họ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Cách đây 2-3 năm, họ vượt lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chưa kể đến báo cáo mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế rằng nếu tính GDP theo sức mua thì nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Mỹ.
-
VietNamNet
(còn nữa)