Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn (trực thuộc Bảo tàng Đỗ Hùng) vừa chính thức được giới thiệu tại TPHCM.

Buổi ra mắt có sự tham gia của ông Đỗ Hùng - Giám đốc Bảo tàng Đỗ Hùng, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế.

W-batch_ddz5543400311905_134d8bb600d17503b664e5e7a9adeffa.jpg
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự ra đời của các bảo tàng. 

“2 bảo tàng là sự bổ sung rất ý nghĩa các điểm văn hóa, du lịch ngay tại trung tâm thành phố. Có những bảo tàng như thế này càng tăng thêm địa điểm lý thú, bổ ích để mang đến cho công chúng thêm lựa chọn tham quan", ông nói. 

Ông Hải đánh giá cao các đơn vị tư nhân đã có công mang cổ vật Việt Nam hồi hương để công chúng có thể chiêm ngưỡng, hiểu thêm giá trị di sản văn hóa phi vật thể và di sản vật thể. 

"Tôi nghĩ với một số món giá trị, sau này nếu có điều kiện nên xây dựng đề xuất là bảo vật quốc gia", ông chia sẻ thêm. 

Ông Đỗ Hùng cho biết mình và ê-kíp mất hơn 6 tháng để thi công thực hiện 2 bảo tàng với chi phí đầu tư ban đầu hơn 15 tỷ đồng. 

W-batch_ddz5543400320689_f012c203567da7a2e1ec99252db436c3.jpg
Ông Đỗ Hùng mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. 

Với hơn 30 năm sưu tập và nghiên cứu cổ vật, ông Đỗ Hùng cảm nhận được mỗi cổ vật đều chứa đựng nhiều yếu tố về nghệ thuật, lịch sử cùng những câu chuyện thú vị gắn liền.

“Đến thời điểm này, tôi không còn là một nhà sưu tầm hay một người thưởng thức cổ vật nữa. Tôi đặt mình là một người có sứ mệnh phải giữ gìn, phát huy bằng cách giới thiệu các cổ vật ra công chúng. Chính vì vậy tôi thành lập Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn”, ông nói. 

batch_ddMột trong những cổ vật tại bảo tàng về hoàng cung triều Nguyễn 1.jpg
Một trong những cổ vật tại bảo tàng. 

Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn trưng bày những hiện vật của hoàng tộc nhà Nguyễn, từ những món đồ trang sức, thú vui của hoàng tử, công chúa thường nhật cho đến những món đồ giá trị hơn phục vụ cho việc vận hành triều chính.

Hàng nghìn cổ vật trưng bày trong hai bảo tàng được ông Đỗ Hùng sưu tầm và mua lại từ nhiều nguồn sưu tầm khác nhau.  

Những hiện vật quý giá thường được người nước ngoài sở hữu, ông phải mua đấu giá chủ yếu từ Pháp. Đặc biệt, trong lần ra mắt bảo tàng này, có những cổ vật của Vua Kiến Phúc (trị vì năm 1883-1884) vừa được ông Hùng đấu giá từ Pháp về, cũng được mang trưng bày. 

Tại bảo tàng này, công chúng cũng có thể quan sát nhiều hiện vật của các vị vua khác trong triều Nguyễn như chiếc cúp mang tên Duy Tân; chiếc tủ gỗ dát vàng 24K của Vua Khải Định. Bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật của Vua Bảo Đại, có thể kể đến như: bộ phụ kiện văn phòng, hộp đựng chiếu thư, bộ đồ trà nước, ngọc phả… hay hộp đựng, hộp trang điểm, chén đựng trang sức, sổ tay điêu khắc, bộ kinh Thiên Chúa của Hoàng hậu Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

Ngoài ra, công chúng còn được nhìn ngắm trang phục của hoàng thái hậu, cung nữ; trang phục, vật dụng của quan nhất phẩm; tranh thêu; tủ, bộ bàn ghế khảm xà cừ; trang phục, nhạc cụ nhã nhạc cung đình Huế; võng ngồi của hoàng tử, công chúa; vật dụng thường ngày… được sử dụng trong giai đoạn này.

batch_ddMột trong những cổ vật tại bảo tàng về trang sức 54 dân tộc 1.jpg
Một góc trưng bày tại Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam. 

Trong khi đó, Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam trưng bày các bộ trang sức, trang phục thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục tập quán... của 54 dân tộc anh em. Từ đó khơi dậy ý thức bình đẳng, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa đa dạng trước tác động của toàn cầu hóa. 

Các cổ vật được sưu tầm theo từng nội dung, trong đó có mảng về trang sức của 54 dân tộc. Đỗ Hùng tự tìm tài liệu, được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sưu tầm, khảo cổ, bảo tàng để sưu tầm hiện vật. Lượng cổ vật trưng bày tại bảo tàng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong BST của ông.

"54 dân tộc đều có những đặc điểm văn hoá, quan điểm nghệ thuật, mỹ thuật riêng. Điều đó cũng thể hiện qua trang sức. Có dân tộc thì trang sức được thiết kế cầu kỳ nhưng cũng có dân tộc đề cao sự mộc mạc, tự nhiên", đại diện ban tổ chức cho biết. 

Không gian bảo tàng trưng bày các trang sức chủ yếu như: hoa tai, vòng đeo tay, nhẫn, dây chuyền… Phần lớn các loại trang sức có niên đại hơn 2.500 năm trước đến thế kỷ 20 của 54 dân tộc Việt Nam.

Ban tổ chức bố trí khu vực trưng bày trang sức theo vị trí địa lý các dân tộc thường sinh sống thành một cụm vì có sự tương đồng với nhau như: dân tộc H'Rê, Chơ Ro, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Gia Rai, Ra Glai, Tà Ôi, Khmer, X-Tiêng, Co, Cơ Ho, Ê Đê, M'Nông… 

Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn là hai bảo tàng tư nhân nằm trong hệ thống Bảo tàng Đỗ Hùng, tọa lạc tại số 68 Nguyễn Huệ, Quận 1, TPHCM. 

Ảnh: BTC