Ngày 9/4 tại Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội, Đại sứ quán Italy và Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng (Bát Tràng Museum) giới thiệu triển lãm Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý.

Triển lãm giới thiệu bộ sưu tập 12 chiếc giày gốm do cố nghệ nhân Vũ Thắng sáng tạo lần đầu tiên được ra mắt công chúng (bộ sưu tập được giới thiệu một phần tại Đẹp Fashion Show năm 2011) - một di sản vô giá của nghệ thuật đương đại Việt Nam lấy cảm hứng từ thời trang Ý.

Sức sáng tạo mạnh mẽ, tay nghề độc đáo và kỹ thuật làm gốm tinh tế của nghệ nhân Vũ Thắng, một trong hai nghệ nhân nhân dân duy nhất của làng gốm Bát Tràng, được thể hiện một cách tinh xảo qua hình ảnh chiếc giày được chạm hoa văn truyền thống Việt Nam.

Việc tổ chức triển lãm đã xây dựng một cầu nối nghệ thuật giữa Việt Nam và Ý: các yếu tố cổ điển của Việt Nam, như họa tiết gốm sứ và màu men, hòa quyện với sự sang trọng và phong cách Ý, do đó làm cho mỗi tác phẩm gốm sứ trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt.

Tại triển lãm, Đại sứ Italia Antonio Alessandro chia sẻ: “12 chiếc giày gốm là những tài sản vô giá của nghệ thuật đương đại Việt Nam và lấy cảm ứng từ thời trang Ý. Tôi tin rằng đây cũng là bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ hình dáng của Italia vì Italia được mệnh danh “đất nước hình chiếc ủng”.

Thời trang Ý cùng với đôi tay nghệ nhân thủ công Việt Nam có khoảng cách xa xôi về địa lý nhưng đều chia sẻ một sự tương đồng. Đó là sự giao thoa giữa phong cách lịch lãm của thời trang Ý và sự tinh xảo của nghệ thuật thủ công Việt Nam, đồng thời đều bắt nguồn từ truyền thống, di sản văn hóa của hai quốc gia”.

Trên giày thể hiện hoạ tiết sóng thuỷ tam, tượng trưng cho sự tiếp nối nhau của các thế hệ. Sự tương phản được tính toán kỹ lưỡng giữa màu chàm của sóng nước và màu ngà của nền đã tạo nên một tác phẩm tao nhã và trẻ trung.
Giày được tráng một lớp men khắc hoạ tiết, sau đó được chồng thêm nhiều lớp men khác. Do sự biến chuyển ngẫu nhiên giữa các màu men mà sản phẩm làm ra luôn là độc bản. 
Thân giày vẽ tỉ mỉ hoạ tiết vảy cá, phần mũi giày thể hiện hình ảnh đầu cá chép sống động, có thần. Một hoạ tiết lấy cảm hứng từ tích cổ “Lý ngư vượt long môn”, kết hợp với một món đồ thời trang hiện đại, kỳ lạ thay, lại trở nên hết sức phù hợp và đem lại những cảm xúc mới mẻ.
Khác với những chiếc giày có hoa văn truyền thống, lần này, người nghệ nhân khắc chìm hoạ tiết hoa lan với những nét phóng khoáng, thanh thoát và hiện đại. Hoa lan tượng trưng cho vẻ đẹp của mùa xuân, đồng thời cũng là biểu tượng của tinh thần tự do.
Trên giày vẽ hoạ tiết long cuốn thuỷ (rồng hút nước), lấy cảm hứng từ con rồng thời Trần thế kỷ 14 uốn lượn uy nghi. Chiếc giày này có thể coi là tác phẩm tiếp nối chiếc giày mang khoa tiết “lý ngư vượt long môn”, thể hiện khoảnh khắc đầy uy vũ khi cá chép đã vượt vũ môn hoá rồng. 
Trên chiếc giày này, kỹ thuật chồng màu được tiết chế, làm nền hoàn hảo cho hoạ tiết hoa được khắc chìm theo hình mắt luới dọc thân giày, gợi nhớ đến những chiếc Western boot da kinh điển của phương Tây.
Thân giày vẽ hoạ tiết bách hoa, lấy ý từ câu “nhân sinh bách nghệ”, tượng trưng cho vẻ trăm hoa đua nở của các ngành nghề của dân tộc Việt Nam. 
Điểm nhấn của chiếc giày này là phần miệng giày nạm bạc. Bạc được kéo từng sợi mỏng tạo hình hoạ tiết hoa lá và nạm lên chiếc giày gốm.
Gốm men nâu tạo hiệu ứng bề mặt giả đồng. Bên cạnh những đài sen khô trên cổ giày, điểm nổi bật là phần kén tằm màu trắng và những chuỗi hạt gỗ được đính công phu lượn sóng bên hông giày và bao phủ toàn bộ phần mũi giày.
Kỹ thuật chồng màu được áp dụng tinh tế. Thoạt tiên, giày được tráng một lớp men, khắc hoạ tiết, sau đó chồng thêm nhiều lớp men khác cho đến khi đạt được độ sâu thẳm, huyền ảo theo ý tưởng của nghệ nhân. Điểm nhấn của tác phẩm này là phần mũi giàu đính kết cầu kỳ nhiều chất liệu: đài sen khô, hạt gỗ và kén tằm phủ sơn mài. 
Đôi giày này thể hiện rõ nét nhất tài năng “làm ảo thuật với men của” nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Màu sắc ẩn hiện lớp lớp biến ảo mà vẫn giữ được độ trong, hoạ tiết hoa đào sống động tươi tắn như một khu vườn xuân. 
Thân giày khắc chìm hoạ tiết “long hí thuỷ” tượng trưng cho tinh thần luôn hướng về nguồn cội. Khác với hình ảnh con rồng trên những chiếc giày còn lại, người nghệ nhân đã lấy cảm hứng từ hoạ tiết rồng thời Nguyễn với thế cuộn mình uyển chuyển, sống động mà không kém phần uy nghi.

Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 9/4 tới 3/5.

Tình Lê