Anna Revelskaya
Theo tư liệu, trong những ngày đầu của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, các lực lượng không quân và lục quân Liên Xô đã chịu những tổn thất khá nặng nề vì những đòn không kích phủ đầu của quân Đức. Trong khi đó, phía hải quân lại không phải chịu một thiệt hại đáng kể nào. Nguyên nhân không phải là các căn cứ hải quân nằm ngoài tầm với của máy bay ném bom Đức.
Vấn đề là ngày 17/6/1941, một người phụ nữ tầm 40-45 tuổi tự xưng là Anna Revelskaya xuất hiện tại Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin, đề nghị được gặp Tùy viên hải quân. Bà khẳng định, quân Đức sẽ nổ súng tấn công Liên Xô vào đêm 22/6/1941, đồng thời cung cấp chi tiết về kế hoạch tấn công lực lượng hải quân Xô-viết của Berlin.
Đô đốc Kuznesov, Tư lệnh Hải quân Liên Xô lúc bấy giờ đã cho triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa bổ sung. Khoảng 3 ngày trước khi chiến dịch Barbarossa nổ ra, các hạm đội Baltik, Biển Bắc và Biển Đen của Hải quân Liên Xô đã được lệnh phân tán và chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Từ sau sự kiện đó, Anna không còn thấy xuất hiện thêm một lần nào nữa. Cũng không một ai biết rõ số phận của bà về sau này, chỉ bết rằng Anna Revelskaya đã hoạt động từ thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ I, sau đó được Tình báo Liên Xô cài cắm ở Tây Âu.
Olga Chekhova
Olga Chekhova – một người Nga gốc Đức, là cháu dâu đại văn hào Anton Chekhov. Năm 1922, sau khi được OGPU - tên gọi cơ quan an ninh Liên Xô thời gian này tuyển mộ, Olga chuyển tới Đức sinh sống. Tại đây, bà đã phải làm nhiều công việc để lấy tiền kiếm sống cho đến khi được một quý tộc gốc Nga giúp cho vào làm việc tại một xưởng phim ở Berlin, và đến năm 1928 thì được nhận quốc tịch Đức.
Từng tham gia diễn xuất trong 145 bộ phim cũng như biểu diễn trên sân khấu của nhiều nước châu Âu, Olga đã trở thành một ngôi sao ngang tầm với những Greta Garbo, Marlene Dietrich… và đưa bà vào giới thượng lưu Đức. Ngay những trùm phát xít cũng trở thành người hâm mộ nhiệt tình của Olga Chekhova.
Olga Chekhova (phải). Ảnh: Wikipedia |
Do cả Hitler và Goebbels đều say mê bà, cánh cửa vào những văn phòng của đế chế phát xít Đức gần như đã mở rộng trước mắt Olga. Với mật danh là Rosemary, Olga thường gặp gỡ và chuyển những thông tin mật khai thác được cho Moscow qua liên lạc viên của mình là điệp viên Zoya Rybkina.
Trùm mật vụ phát xít Himmler vào năm 1945 bắt đầu nghi ngờ Olga, ra lệnh bắt giữ bà. Nhưng khi các nhân viên Gestapo tới căn hộ của bà lại bắt gặp Hitler đang ngồi tại đây, khiến kế hoạch không thể được thực hiện.
Còn trong chiến dịch đánh chiếm Berlin, Olga lại bị các nhân viên phản gián Liên Xô bắt giữ. Sau quá trình thẩm vấn, bà được đưa ngay về Moscow trên một chuyên cơ riêng. Tại đây, đích thân Stalin đã trao tặng cho Olga Chekhova huân chương Lênin.
Ba tháng sau, Olga Chekhova quay trở lại Berlin tiếp tục tham gia vào nhiều bộ phim sản xuất. Năm 1955, bà khai trương hãng mỹ phẩm mang tên “Olga Chekhova Cosmetics” tại thành phố Munich. Đây được xem là bình phong để Olga tiếp cận với các quý bà là vợ các sĩ quan trong khối NATO, đúng như lời Stalin từng cho rằng, “nữ diễn viên Olga Chekhova sẽ vẫn còn giá trị kể cả sau chiến tranh”.
Zoya Voskresenskaya
Năm 1929, cô gái Voskresenskaya 22 tuổi gia nhập bộ phận ngoại vụ của OGPU. Sau đó không lâu, bà được cử đến Geneva chỉ để trở thành tình nhân của một viên tướng Đức.
Trong những năm 1930, Zoya lần lượt được cử đi công tác ở Mãn Châu Lý, Latvia, Đức và Áo. Đầu tháng 6/1941, dưới vỏ bọc là một nhân viên của Ủy ban trao đổi văn hóa với nước ngoài toàn Liên bang, Voskresenskaya tham dự một buổi chiêu đãi của đại sứ quán Đức.
Zoya Voskresenskaya. Ảnh: timenote |
Bà được viên Đại sứ Đức Count Werner von der Schulenburg mời nhảy một điệu waltz. Trong khi nhảy, bà nhận thấy có những khoảng trống hình chữ nhật trên bức tường của một căn phòng gần đó, nơi từng treo tranh ảnh, và nhìn thấy rất nhiều vali được xếp gần một cánh cửa. Bà báo cáo với Moscow rằng, người Đức đang chuẩn bị sơ tán đại sứ quán, dấu hiệu cho thấy chiến tranh sắp bắt đầu.
Zoya Voskresenskaya nghỉ hưu năm 1955, sau đó trở thành nhà văn viết truyện cho trẻ em nổi tiếng và gần như không ai biết về sự nghiệp tình báo của bà. Mãi đến năm 1990, Chủ tịch KGB khi ấy là Vladimir Kryuchkov mới tiết lộ thông tin về cuộc đời của nữ điệp viên Zoya Voskresenskaya.
Nguyên Phong