Khung dệt chiếu cất vào góc nhà vì thiếu nguyên liệu

Bán chiếu cói trên mạng, thu tiền qua thẻ ATM

Vào những năm 2010, có 8/9 xóm tại xã Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An) làm nghề dệt chiếu cói với gần 1.000 lao động tham gia, tổng doanh thu hàng năm khoảng 6 tỷ đồng.

Riêng 2 xóm Phong Hảo và Phong Thuận được công nhận là làng có nghề vào năm 2005.

{keywords}
Những chiếc chiếu cói được làm hoàn toàn thủ công, đảm bảo tiêu chí đông ấm, hè mát, dùng được gần 10 năm có giá 1 triệu đồng/chiếc.

Đó là thời “vàng son” của nghề chiếu cói Hưng Hòa. Đến nay, số hộ dân còn gắn bó với nghề cha ông để lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Ông Chu Văn Bé (xóm Phong Hảo) là một trong những số lao động ít ỏi đó. “Trước đây, riêng xóm Phong Hảo có khoảng gần 40 hộ dân làm chiếu nhưng hiện cả xóm chỉ còn mỗi gia đình tôi”, ông Bé nói.

Nói là cả gia đình nhưng thực chất chỉ có ông Bé và vợ. Bốn đứa con, như ông nói “nghề này vất vả, gò bó” nên đã định hướng cho con làm công việc khác nhàn thân hơn.

{keywords}
Chiếc chiếu cói dày dặn, đan đều, đẹp và đặc biệt không nhuộm màu.

Nghề làm chiếu thủ công mẫu mã ít đa dạng, khó cạnh tranh được với thị trường với đủ loại chiếu nhựa, chiếu tre, chiếu trúc hay công xá không thấm vào đâu so với dệt chiếu bằng máy. Bởi vậy, người dân lần lượt bỏ nghề, xếp khung dệt vào kho và kiếm kế khác sinh nhai.

“Cách đây 5 năm, đài truyền hình về quay nghề dệt chiếu của tôi rồi phát lên ti vi, người ta biết được xin số điện thoại đặt hàng. Khách ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng hay tận Đồng bằng sông Cửu Long cũng gọi điện đặt hàng. Họ đặt qua điện thoại hoặc qua facebook, thông báo kích cỡ, thống nhất giá cả. Tôi gửi tàu hoặc xe vào, tiền nong thanh toán qua thẻ ATM của con trai”, ông Bé phấn chấn kể.

{keywords}
Hiện những chiếc chiếu tiền triệu này không phải chào bán mà được khách hàng gọi điện đặt mua. Thời gian và công sức để làm 1 chiếc chiếu khá nhiều nên không có nhiều người gắn bó với nghề cha ông để lại dù tiền công lên tới 250-300 nghìn/ngày.

Ông Bé là đời thứ 3 trong gia đình làm chiếu. Sở dĩ chiếu của ông bán được bởi chỉ làm chiếu loại 1, tức là loại chiếu dày, dệt thủ công hoàn toàn, sợi đều tăm tắp và hoàn toàn không nhuộm màu.

“Dệt chiếu loại này phải kỳ công, đan “9 đường đay đôi” để đảm bảo chiếu không bị “dạt”. Hai vợ chồng mỗi ngày dệt được 1 chiếc, cứ 1 chiếc 1 triệu đồng. Tính ra trừ nguyên liệu các thứ ra, mỗi ngày hai vợ chồng tôi cũng kiếm được 250-300 nghìn đồng tiền công mỗi người”, ông Bé nói tiếp.

Khung dệt bụi phủ vì thiếu nguyên liệu

Theo ông Bé, nghề dệt chiếu thủ công hiện khó cạnh tranh với thị trường với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ. Tuy nhiên, nếu chăm chỉ, quan trọng là đảm bảo chất lượng và uy tín thì thu nhập không hề ít.

“Loại chiếu mỏng, hay được các nhà ga đặt mua trải trên tàu cho khách hiện được mua với giá 17 nghìn đồng/chiếc thì mỗi ngày cật lực cũng chỉ được 70 nghìn đồng. Làm chiếu loại 1, hai vợ chồng tôi mỗi ngày chỉ được 1 chiếc, ít nhất cũng kiếm 500 nghìn đồng. Mức thu nhập này ở quê cũng không phải là nhỏ”, ông Bé tâm sự.

{keywords}
Giá chiếu đắt nhưng do thiếu nguyên liệu, ông Chu Văn Bé đành xếp khung dệt vào góc tường...

Tiếng là thu nhập cao nhưng hiện nay sợi gòn (làm từ cây cói) vẫn phải xếp kho, khung dệt của ông Bé để bụi phủ và nhện chăng tơ. Nhiều đơn hàng của vợ chồng ông vẫn đang “treo” đó bởi không có nguyên liệu để sản xuất.

Trước đây, ngoài diện tích trồng cói, Hưng Hòa còn có 1 diện tích trồng đay để tự túc nguyên liệu. Nhưng nay, phần diện tích trồng đay đã bị chuyển đổi sang nuôi tôm có giá trị kinh tế lớn hơn.

Không chủ động được sợi đay, ông Bé buộc phải mua nơi khác về, chủ yếu là nguồn ngoài Bắc. Mỗi kg đay giá 70 nghìn, tiền công xe sợi 50-60 nghìn, tính ra mỗi kg đay thành phẩm từ 120-130 nghìn đồng. Cứ mỗi chiếu đôi (loại 2x2,2m) làm hết mất 5 lạng đay.

{keywords}
Sợi gòn cũng chất đống trong kho dù nhiều đơn hàng vẫn đang phải nợ khách.

“Năm nay sợi đay hiếm lắm, tôi hỏi khắp nơi, từ Thái Bình, Nga Sơn (Thanh Hóa) vào tận Đà Nẵng người ta đều bảo chỉ có để sản xuất, không có bán. Vừa qua tôi nhờ người đăng trên facebook hỏi xem ở đâu có bán để mua nhưng cũng không có kết quả”, ông Bé thở dài.

Sao không sử dụng nguyên liệu thay thế? Ông Bé lắc đầu: “Làm nghề này phải uy tín chứ. Sợi đay tuy có đắt nhưng dệt ra tấm chiếu đẹp, bền, đông ấm, hè mát, dùng cả gần chục năm mới hỏng. Nếu dệt bằng sợi cước hay sợi nhựa thì chất lượng không thể đảm bảo mà chiếu cũng không đẹp được”.

{keywords}
Nguyên liệu sản xuất khó khăn, người gắn bó với nghề dệt chiếu cói ngày càng ít, ông Bé lo lắng nghề ông cha để lại sẽ mai một.

Không có nguyên liệu, nhiều đơn hàng ông đành “khất” khách hàng. Sắp tới, ông dự định vào Đà Nẵng tìm nguồn nguyên liệu để nối lại sản xuất. “Hiện chúng tôi chỉ có thể tự túc được sợi gòn. Nghề này vốn đã kén khách, giờ không có nguyên liệu sản xuất, e rằng thời gian ngắn nữa chẳng còn ai làm”, ông thở dài.

(Theo Dân Trí)