Trao đổi với phóng viên VietNamNet bên lề Hội nghị Da liễu Toàn quốc thường niên, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay hiện trên mạng xã hội lan tràn quảng cáo về làm đẹp bằng tế bào gốc. Thực tế, các cơ sở này đã quảng cáo "mập mờ, chung chung" trong cách dùng khái niệm.
"Tế bào gốc người là tế bào có khả năng tự đổi mới, tự biệt hóa thành các tế bào có thể đảm nhiệm các chức năng khác nhau trong cơ thể, chỉ được Bộ Y tế cấp phép trong điều trị bệnh như ung thư, bại não, liệt tủy, xương khớp..., chưa được cấp phép trong thẩm mỹ làm đẹp", bác sĩ Hiền khẳng định.
Các quảng cáo "tiêm tế bào gốc trẻ hóa da" được các cơ sở thẩm mỹ, spa giới thiệu thực chất không phải là tế bào gốc người như nhiều người nhầm tưởng. "Đó chỉ là sản phẩm công nghệ tế bào gốc có nguồn gốc thực vật, sản phẩm quá trình nuôi cấy tế bào gốc người hoặc các sản phẩm có chứa yếu tố tăng trưởng...", bác sĩ cho biết thêm.
Bệnh viện Da liễu Trung ương từng tiếp nhận không ít ca phải điều trị sau tai biến thẩm mỹ vì tin lời quảng cáo trên mạng xã hội hoặc qua người quen giới thiệu đến làm đẹp tại các cơ sở không đủ điều kiện.
Mới đây nhất, một phụ nữ 41 tuổi ở Hà Nội đọc quảng cáo trên mạng xã hội tìm đến một cơ sở thẩm mỹ ở quận Long Biên (không rõ được cấp phép thực hiện can thiệp thẩm mỹ hay không) để cấy mỡ tự thân lấy từ bụng tiêm vào vùng trán, thái dương và lazer điều trị nám.
"Hậu quả là do kỹ thuật cấy mỡ không đúng (do không đúng lớp mỡ hoặc đưa quá nhiều) gây phản ứng viêm, bệnh nhân bị hoại tử mỡ vùng thái dương", bác sĩ Hiền chia sẻ ngày 30/11.
Sau viêm, hoại tử mỡ, bệnh nhân có phản ứng tăng giảm sắc tố loang lổ, da bị canxi hóa bị teo đi, vùng trán, thái dương bị rụng tóc. Nữ bệnh nhân mất 1 tháng để điều trị tình trạng cấp tính. Vùng tiêm lazer trị nám cũng bị tăng sắc tố.
Trước đó, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu & Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân 40 tuổi mặt bị sưng lệch sau khi thực hiện "tái sinh đa tầng" tại một cơ sở thẩm mỹ.
Chị này cho biết trước đó đã đến một cơ sở thẩm mỹ có tiếng để thực hiện trẻ hóa da bằng liệu pháp tái sinh đa tầng. Cơ sở này quảng cáo việc trẻ hóa da sẽ chỉ sử dụng máy chạy, không tiêm vào da.
Bác sĩ Minh cho hay bệnh nhân chia sẻ với ông rằng nhân viên cơ sở này đã tiêm vào một số vị trí trên mặt, và bảo chỉ là thuốc tê trong khi chạy máy.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Minh thăm khám, siêu âm, phát hiện nhiều khối dưới da giống chất làm đầy (filler). Tuy nhiên, rất khó khăn để điều trị tình trạng viêm cũng như xác định loại chất đã được tiêm vào mặt bệnh nhân này.
Theo ông, cơ sở này sử dụng tiêm filler để làm đầy khuôn mặt, làm trẻ hóa nhưng lại "đánh lừa" khách hàng dùng liệu pháp tái sinh đa tầng khác. Bác sĩ Minh cũng khẳng định không có liệu pháp làm đẹp nào gọi là "tái sinh đa tầng". Đa số là những lời quảng cáo quá đà để thu hút khách hàng.
Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hiền cảnh báo người dân muốn làm đẹp, chăm sóc, điều trị da cần tỉnh táo trong tìm hiểu, lựa chọn cơ sở thực hiện và người thực hiện.
Nếu chỉ chăm sóc da mặt thông thường, người dân có thể đến các spa, thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, nếu thực hiện thẩm mỹ (nội và ngoại khoa) đều phải được thực hiện bởi các bác sĩ có chứng chỉ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, làm ở nơi có trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, máy móc, nhân lực được sở y tế, Bộ Y tế thẩm định, ban hành kèm danh mục kỹ thuật.
"Kể cả ở bệnh viện da liễu, bác sĩ nếu không được đào tạo, cấp chứng chỉ phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ, cũng không được thực hiện", bác sĩ Hiền nói. Ông tư vấn thêm người dân không nên ngại ngần khi yêu cầu các cơ sở thực hiện làm đẹp, thẩm mỹ phải cung cấp các giấy tờ đảm bảo điều kiện.