- Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, ngót 30 năm, bước qua nhiều ghềnh thác, nay đã trở thành một cơ sở công nghệ chiếu xạ lớn nhất miền Bắc.
Cách tâm điểm thủ đô về phía tây 12 km, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (TTCXHN) nằm trên một vùng đất rộng mênh mông với hai khu nhà chính nổi bật.
Khu vực nhà chiếu xạ gồm các nguồn chiếu (mái tròn chính giữa), băng chuyền và kho bảo quản trước sau chiếu xạ… Ảnh: TCXHN. |
Một khu nhà hai tầng xinh xắn gồm các văn phòng hành chính, phòng thí nghiệm bổ trợ… Và một khu nhà mái thấp nhưng rộng lớn che chở và bảo vệ hệ thống liên hoàn gồm thiết bị chiếu xạ, các băng chuyền cùng các kho chứa hàng trước và sau khi chiếu tia xạ.
Trung tâm Chiếu xạ Hà nội được xây dựng từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ban đầu trực thuộc Viện Khoa học Kỹ Thuật Hạt nhân nhưng đến năm 2007 chuyển về trực thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. Cơ sở vật chất kỹ thuật chính ở đây vẫn là các Thiết bị chiếu xạ gamma Co-60, Thiết bị gia tốc Cyclotron 13 MeV và Hệ điều chế tổng hợp dược chất FDG dùng trong Y tế…
Với các hệ thống thiết bị trên đây, trong khoảng 20 năm qua, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã khai thác nguồn phóng xạ gamma Co-60 với cường độ phóng xạ tổng cộng ban đầu khoảng 100 Kilo Curie (KCi) rồi giảm dần theo thời gian bởi quy luật tự nhiên về phân rã phóng xạ, nhưng gần đây được nâng lên 170 KCi gần gấp đôi ban đầu. Các hoạt động chủ yếu của Trung tâm là chiếu xạ khử trùng các vật phẩm thuộc các lĩnh vực nông, sinh, y tế v.v… hoặc chiếu xạ bảo quản các thực phẩm sử dụng dài hạn trong nước hay xuất khẩu ra các nước.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, với trào lưu gia tăng thị trường xuất khẩu, công nghệ chiếu xạ thực phẩm; được xem là một công nghệ “lành” và trở thành một yêu cầu của người tiêu dùng ở nhiều nước phát triển Mỹ, Âu, Úc châu. Một số nước khác như Hàn Quốc, New Zealand và một số nước châu Âu khác không yêu cầu bắt buộc như vậy nhưng chấp nhận biện pháp kiểm dịch bức xạ.
Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra đối với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội là phải mở rộng, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thiết bị và hạ tầng cơ sở của mình. Và Trung tâm đã phải vất vả nhiều năm mới hội tụ đủ khoản kinh phí cần thiết.
Xuất khẩu nông sản từng gặp khó khăn do thiếu cơ sở chiếu xạ. Ảnh: Hanoimoi.com.vn |
Quả vậy. Yêu cầu đặt ra trong tình hình mới đòi hỏi Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phải nâng cấp để dây chuyền chiếu xạ đạt đến khả năng xử lý 20-30 tấn vải hay nhãn trong mỗi ngày. Muốn vậy, Trung tâm cần phải có 2 kho lạnh riêng biệt để cách ly hàng hóa đầu vào và hàng hóa đầu ra. Do đó, Trung tâm đã phải xây dựng kho mới trên diện tích 700-800m2, trong đó có gần 200m2 kho lạnh và 50m2 phòng dành để kiểm dịch, còn lại sẽ dành cho khu vực đóng gói.
Trong quá trình thực hiện chương trình mở rộng và nâng cấp hệ thống chiếu xạ, TTCXHN đã gặp rất nhiều trở ngại. Trở ngại chính là khoản kinh phí. Chạy vạy mãi, năm này qua năm khác, đến tháng 4/2015 một Dự án “Cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng và thiết bị chiếu xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phục vụ chiếu xạ kiểm dịch quả tươi xuất khẩu” mới được phê duyệt và một khoản kinh phí khiêm tốn mới được cấp đủ.
Sau một năm nổ lực, cuối cùng đến tận những ngày đầu tháng 4/2016 này, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã hoàn thành dự án, đưa Trung tâm này lên cơ sở chiếu xạ duy nhất ở phía Bắc, sát cánh với 2 Trung tâm cùng chức năng ở phía Nam đẩy mạnh công cuộc xuất khẩu các mặt hàng tươi sống, đặc biệt các loại hoa quả đặc sắc của nước ta đến các thị trường lớn và khó tính của thế giới.
Trần Minh