Dọc Xa lộ Hà Nội đoạn từ Cầu Rạch Chiếc về hướng ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP HCM) quanh năm nhộn nhịp các điểm bán chim rừng, được giới thiệu là nhập từ miền Tây.
Chim chằng nghịch là loại được bán nhiều nhất dọc đường này. Bắt đầu từ vòng xoay Cát Lái (quận 2) hướng lên cầu Rạch Chiếc về ngã tư Thủ Đức, cứ vài mét lại có một tấm biển quảng cáo bán chim chằng nghịch. Bảng được viết trên nắp thùng xốp, bên cạnh là những chiếc thùng bày chim đã làm sẵn. Rất nhiều người đi đường ghé lại mua món đặc sản được quảng cáo săn bắt từ miền Tây với giá bán 40.000-50.000 đồng một con.
Nhiều người cho rằng, chim chằng nghịch đang được quảng cáo bán ven xa Lộ Hà Nội thực tế là chim cút thải loại. |
Tại một điểm bán cách chân cầu Rạch Chiếc hơn 30 m, "chim chằng nghịch" được bày biện trên những chiếc thùng xốp không che chắn, phơi dưới trời nắng và khói bụi mù mịt giữa Xa Lộ Hà Nội. Toàn bộ chim bán ở đây đều được làm sạch lông, vàng rượm nhìn rất bắt mắt.
Thấy khách dừng xe hỏi mua, người bán chim rừng sẽ nhanh chóng dùng con dao nhỏ xẻ thịt phía dưới bụng chim. “Đây! Thịt bảo đảm, chị mới vừa làm xong luôn”. Giá mỗi kg chim chằng nghịch là 150.000 đồng/kg, tầm 3 con là 1 kg. Chị này cũng cho biết, mỗi ngày một điểm bán trung bình từ 20-30 kg chim chằng nghịch.
“Chim này về khìa, hấp nước dừa, nấu cháo đậu xanh, ăn đều ngon”, người bán này cho biết.
Theo người bán chim này, giống chim chằng nghịch chị phải đặt hàng tận Sóc Trăng. Giá thu mua tại nhà dân đi săn chim là hơn 100.000 đồng/kg. Người bán cho rằng, rất khó để tìm được nguồn hàng chất lượng và cung cấp số lượng lớn. Vì nguồn chim ngày càng khan hiếm, nếu chờ đủ số lượng lớn gom về Sài Gòn bán thì mất thời gian, chim sẽ chết.
Chim rừng được bày bán với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg trên Xa Lộ Hà Nội. |
Tại một điểm bán cách đó không xa, người đàn ông tranh thủ lúc vắng khách dùng khò lửa gắn bình gas mini để trui chim. Nhưng công việc được che chắn kỹ càng đằng sau chiếc thùng xốp. Khách dừng xe, tất cả công việc đều dừng lại.
Đa phần những người bán đều nhận mình là người miền Tây, mang chim rừng từ Sóc Trăng hoặc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp lên bán, với giá dao động 120.000-150.000 đồng/kg tùy theo kích thước và độ tươi ngon của chim. Khi thấy khách nghi ngờ cho rằng đây là chim cút, một người bán thanh minh: “Nhìn cái chân dài, móng cong như vậy sao mà là chim cút được”.
Tuy nhiên, khi khách yêu cầu mua chim chằng nghịch còn sống thì không điểm bán nào có hàng.
Tại khu vực ngã tư Bình Thái (quận 9, TP HCM), nơi tập trung khá nhiều điểm bán chim chằng nghịch bên đường, khi được hỏi, nhiều người chạy xe ôm cho rằng, khách đã bị lừa mua phải chim cút già chứ không phải chim chằng nghịch. Ông H. (quận 2, một tài xế xe ôm lâu năm tại khu này) cho hay, những con chim được trui kỹ lông này thực tế là chim cút quá lứa. Tức loại cút già được các trai nuôi thải loại. Chúng được làm sạch, trui kỹ lông và đổi tên thành chim chằng nghịch, một loại chim rừng thịt thơm ngon mà nhiều người thích ăn.
Theo ông H., dù chim chằng nghịch ở rừng miền Tây có dồi dào đến đâu cũng không thể cung ứng một lượng lớn cho các điểm này bán quanh năm được. Hơn nữa chim rừng cũng không dễ săn bắt. Nếu đúng là chim rừng thì các điểm bán tại sao phải sơ chế một cách bí mật.
Chằng nghịch (gà nước vằn) có tên khoa khoa học là Gallirallus striatus. Chằng nghịch được người dân gọi với cái tên: chim chằng nghịch, rẽ đất, rẽ hoa. Đây là một loài gà nước được tìm thấy ở tiểu lục địa Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka và Đông Nam Á. Chim có mỏ đỏ dài, mắt và chân đen tuyền, mặt lưng nâu thẫm có nhiều vằn lượn sóng trắng, phần dưới lưng và lông cánh sơ cấp có nhiều chấm trắng, mỗi lông đều viền nâu hơi vàng. Con trống trưởng thành có bộ lông sặc sỡ, kích thường 30-43 cm; con mái có kích thước nhỏ hơn, khoảng 25-36 cm, khi trưởng thành lông kém phần sặc sỡ; mỗi lần sinh sản cho khoảng 3-6 trứng. Tại Việt Nam, chim này tập trung chủ yếu ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia ở miền Tây Nam bộ, như vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Rừng Tràm Trà Sư (An Giang),… Việc khai thác chim rừng theo hướng kinh doanh là một vấn nạn ảnh hưởng đến số lượng cá thể của loài cũng như mất cân bằng hệ sinh thái. |
(Theo Zing)