Ngày 25/5, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã chính thức phát động chiến dịch tranh cử để trở thành Tổng giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sau khi vị trí này bị bỏ trống từ vụ bê bối tình dục của Doninique Strauss-Kahn.
 

TIN BÀI KHÁC


Nếu đắc cử, bà Christine Lagarde, 55 tuổi sẽ trở thành nữ Tổng giám đốc đầu tiên trong suốt chiều dài lịch sử 66 năm của tổ chức này.
 
Hiện bà Lagarde đang có được sự ủng hộ mạnh mẽ của một số nước như Anh, Đức, Pháp và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, nữ chính khách này có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối gắt gao từ phía 5 thành viên thuộc khối BRICS bao gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi.
 
Các quốc gia này cho rằng quy ước bất thành văn khi lựa chọn giám đốc IMF dựa trên tiêu chí quốc tịch đã lỗi thời và làm suy yếu tính hợp pháp của định chế tài chính lớn nhất thế giới. Họ kêu gọi cần tiến hành một tiến trình thực sự minh bạch, dựa trên sự cạnh tranh công bằng và mong muốn một đại diện đến từ các nền kinh tế mới nổi sẽ nắm giữ cương vị cao nhất tại IMF.
 
Bà bà Christine Lagarde đang là một trong những gương mặt sáng giá trong cuộc đua giành vị trí Tổng giám đốc IMF

Trong một tuyên bố chung, 5 vị giám đốc đại diện cho các nước khối BRICS cho biết: “Chúng tôi lo ngại trước các tuyên bố gần đây của giới chức cấp cao châu Âu rằng vị trí giám đốc điều hành cần do người châu Âu tiếp tục đảm trách. Cuộc khủng hoảng tài chính gần đây tại các nước phát triển thể hiện rõ sự cần thiết phải cải cách các định chế tài chính quốc tế nhằm phản ảnh vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong nền kinh tế thế giới”.
 
Tuy nhiên trong bài phát biểu của mình, bà Lagarde khẳng định “Nếu tôi trúng cử, tôi sẽ làm hết sức mình từ vai trò một luật sư, một bộ trưởng, nhà quản lý để xử lý các công việc chung của quỹ chứ không riêng gì tập trung vào châu Âu hay bất kỳ khu vực nào”.
 
Theo đánh giá, bà Lagarde hiện đang là một trong những gương mặt sáng giá nhất cho vị trí Tổng giám đốc IMF.
 
Christine Lagarde là nữ Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên trong khối G8, được biết đến là “ngôi sao nhạc rock” của thế giới tài chính. Bà đã từng làm luật sư 25 năm tại Mỹ, nói tiếng Anh thông thạo, là người có công đầu trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu.
 
Theo đánh giá của Kenneth Rogoff, cựu quan chức IMF, hiện là giáo sư giảng dạy tại Harvard: “Christine Lagarde rất ấn tượng, cô ấy là một chính trị gia sắc sảo, cá tính mạnh mẽ. Cô ấy luôn là trung tâm của các cuộc họp trên toàn thế giới”.
 
Theo luật bất thành văn từ sau thế chiến thứ 2 đến nay, vị trí người đứng đầu IMF luôn thuộc về châu Âu, trong khi đó vị trí cao nhất của tổ chức Ngân hàng thế giới (WB) sẽ luôn là một người Mỹ.
 
Thiên Thư (Theo Guardian)