Nỗ lực nhắn tin hướng dẫn phòng tránh Covid-19 tới từng người dân được xem là một biện pháp hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn và duy trì tỉ lệ nhiễm bệnh thấp. Nhiều quốc gia đã xây dựng các hệ thống cho phép chính phủ phát đi cảnh báo khi đối phó với khủng hoảng.
Chẳng hạn, khi các chính trị gia Hà Lan lo lắng vì nhiều người dân phớt lờ quy định giữ khoảng cách với nhau và vẫn tập trung tại công viên, họ đã dùng hệ thống NL-Alert để gửi thông điệp hối thúc công chúng tránh tụ tập nơi đông người và giữ khoảng cách.
Dù vậy, 7 năm sau khi Văn phòng Nội các Anh thử nghiệm thành công hệ thống cảnh báo khẩn cấp và đề xuất nhà nước nên xây dựng hệ thống, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó đang được phát triển. Do đó, khi người Anh vẫn đổ ra công viên vào cuối tuần, không có cách nào để gửi cảnh báo cho công chúng theo thời gian thực.
Thay vào đó, người Anh phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông truyền thống và mạng xã hội để tìm hiểu biện pháp cách ly, “bơi” giữa các biển tin giả trên những dịch vụ nhắn tin như WhatsApp. Theo Guardian, những thông điệp thiếu nhất quán từ Thủ tướng và thiếu chiến dịch truyền thông lớn góp phần làm dịch bệnh tại Anh trầm trọng hơn. Không chỉ có vậy, chính phủ vẫn chưa tận dụng đề nghị quảng cáo miễn phí trên các nền tảng như Facebook.
Toby Harris, người từ lâu đã vận động làm hệ thống cảnh báo quốc gia, cho rằng dịch vụ tin nhắn khẩn cấp của Anh là nạn nhân của các cuộc đấu tranh giữa các bộ ngành và lo ngại ai sẽ tài trợ.
Năm 2013, chính phủ Anh kết luận “hệ thống cảnh báo không chỉ được công chúng đánh giá hữu ích mà nó còn là cách hiệu quả để mọi người nhận được lời khuyên cụ thể khi khẩn cấp”. Dù đề xuất tập trung vào sử dụng hệ thống để đối phó với thiên tai, khủng bố, không có lý do gì để nó không được cơ cấu lại phục vụ cho các sự kiện như Covid-19.
Chiến lược truyền thông của chính phủ Anh cũng bị chỉ trích trong những ngày gần đây khi một số người cho rằng đôi khi Thủ tướng không rõ ràng về việc mọi người có nên đến công viên hay không.
Từ ngày 23/3, Bộ Y tế Anh bắt đầu gửi tin nhắn cho 1,5 triệu người được xem là có nguy cơ cao nếu nhiễm Covid-19, khuyên họ ở trong nhà 12 tuần. Khả năng liên lạc với toàn bộ đối tượng trong nhóm này của Bộ Y tế bị hạn chế do thiếu thông tin liên lạc dù thực tế nhiều người vẫn đang được điều trị các bệnh khác như ung thư. Tổ chức vận động hành lang Mobile UK cho biết đang thảo luận với chính phủ để giúp đỡ trong cuộc chiến chống Covid-19, trong đó có sử dụng chiến dịch nhắn tin rộng rãi.
Bên cạnh các chương trình tin tức trên truyền hình, nhiều công ty truyền thông tư nhân đang góp một tay trong nỗ lực đưa ra hướng dẫn chính thức. Chẳng hạn, Facebook tăng cường đưa thông tin y tế về Covid-19 trong cả ứng dụng chính lẫn Instagram, còn Sky News phát video giữa các bản tin khuyên mọi người rửa tay.