Một nguồn tin cấp bộ trưởng Lebanon nói với CNN rằng, ông tin chính phủ sẽ từ nhiệm và tuyên bố vai trò lâm thời vào đêm nay (theo giờ địa phương). Tính đến thời điểm hiện tại, 3 bộ trưởng nội các cùng 7 thành viên quốc hội đã từ chức.
Thủ tướng Lebanon Hassan Diab (ngoài cùng bên phải) chủ trì một cuộc họp. Ảnh: BBC |
Lebanon đang vật lộn chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất nhiều thập niên qua, trong lúc dịch bệnh hoành hành và chính phủ phải đối mặt với vô số cáo buộc tham nhũng và quản lý yếu kém. Đồng nội tệ mất 70% giá trị kể từ khi biểu tình bùng phát hồi tháng 10/2019.
Tình trạng đói khổ gia tăng, với hơn một nửa dân số của Lebanon dự kiến sẽ lâm vào cảnh nghèo khó trong năm 2020, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB).
Vụ nổ 2.750 tấn amoni nitrat trong kho tại cảng Beirut chiều 4/8 đã phá hủy một khu vực rộng lớn ở thủ đô và được tin có liên quan đến sự lơ là áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn trong dự trữ hóa chất dễ cháy nổ suốt một thời gian dài.
Thủ tướng Hassan Diab, một nhà cải cách tự phong, mới lên nắm quyền ở Lebanon hồi tháng 12 năm ngoái, hai tháng sau một cuộc nổi dậy hạ bệ chính quyền tiền nhiệm. Chính phủ của ông Diab bao gồm nhiều nhà kỹ trị cũng như nhận được sự ủng hộ của các đảng phái chính trị lớn, kể cả nhóm vũ trang Hezbollah.
Sau khi chính phủ đương nhiệm từ chức, Lebanon sẽ phải tìm kiếm vị thủ tướng thứ ba chỉ trong không đầy một năm, nhằm đưa đất nước thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng hiện tại.
Tuấn Anh
Ly kỳ nguồn gốc lô hàng gây nổ rung chuyển Beirut
Vụ nổ gây thảm cảnh như "tận thế" ở cảng Beirut, Lebanon có liên quan đến một lô hàng amoni nitrat thu giữ từ tàu nước ngoài và được cất trữ trong kho tại đây suốt nhiều năm qua.
Thảm cảnh kinh hoàng sau vụ nổ rung chuyển thủ đô Lebanon
Hội Chữ thập đỏ Lebanon cho biết, hiện đã có ít nhất 100 người chết và hơn 4.000 người khác bị thương sau các vụ nổ rung chuyển thủ đô Beirut chiều 4/8.