Ukraina là một vấn đề gây xao lãng. Syria là một bài toán đau dầu. Đối với những ai tin vào "trục xoay tới châu Á" của Mỹ thì trung tâm chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama chắc chắn phải giữ nguyên "khu vực của tương lai" này.


TIN BÀI KHÁC:


Tổng thống Barack Obama vừa lên đường tới châu Á, thăm 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines trong 7 ngày. Kế hoạch của ông là tái khẳng định Mỹ như một đất nước Thái Bình Dương, đồng thời vạch ra những gì ông gọi là "vai trò rộng lớn hơn và dài kỳ hơn" về tương lai khu vực.

{keywords}
Tổng thống Barack Obama công du châu Á từ ngày 23 đến 29/4.

Nhưng không phải ai cũng hài lòng. Với những người chỉ trích, trục xoay tới châu Á đã đẩy Nhà Trắng vào thế khó, với ý niệm mập mờ rằng châu Á là "tương lai", khiến Mỹ phải bỏ qua những vấn đề nguy hiểm hơn nhiều ở Trung Đông và châu Âu.

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi lập luận rằng trọng tâm mà chính quyền Mỹ đặt vào châu Á đã khuyến khích những người như Tổng thống Syria dùng vũ lực, vì họ tin rằng đôi mắt của Mỹ giờ đang gắn chặt vào vùng Viễn Đông.

Vậy toàn bộ trục xoay này là sai lầm? Không hẳn thế. Trong thập niên tới đây, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vươn lên vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây có vẻ là đối thủ lâu dài nhất của Mỹ như một siêu cường toàn cầu.

Châu Á, về tổng thể, ngày càng đóng vai trò trung tâm của kinh tế thế giới. Vì vậy, với các lý do chiến lược và kinh tế dài kỳ, chắc chắn Mỹ sẽ phải dành nhiều thời gian hơn vào việc củng cố vị trí của mình tại châu lục này.

Tuy nhiên, bất chấp nhận thức sáng suốt về chiến lược đằng sau Trục này, việc thực thi chính sách lại trở nên rối trí và mơ hồ. Phải thừa nhận rằng, một sự sao lãng nào đó là không thể tránh khỏi. Cuộc khủng hoảng ngày nay sẽ luôn chế ngự sự chú ý của Nhà Trắng.

Nhưng thực tế chính quyền Obama không thể giữ trọng tâm của mình vào châu Á lại càng tồi tệ hơn khi John Kerry đứng đầu Bộ Ngoại giao. Người tiền nhiệm của ông, Hillary Clinton, hiểu rõ tầm quan trọng của châu Á. Còn Kerry lại ràng buộc nhiều hơn với Trung Đông và châu Âu. Trọng tâm ông đặt nặng vào vấn đề Israel - Palestine ngày càng tỏ ra chỉ tốn thời gian. Kết hợp với xu hướng Obama hủy các chuyến công du tới châu Á do hứng chịu khủng hoảng trong nước năm ngoái, nhiều người châu Á bắt đầu nghi ngờ tính nghiêm túc của "Trục xoay tới châu Á".

Các chính sách đằng sau trục này cũng khó hiểu. Đã có nhiều chỉ trích rằng Obama quá chú trọng vào mặt quân sự - khiến cho Trung Quốc tin rằng Trục này chỉ là một từ vui tai.

Nhưng không nhất thiết đó là một sự hiểu nhầm. Khao khát ngăn một Trung Quốc quyết đoán trở thành một cường quốc nổi trội ở châu Á, trên thực tế, là động cơ trung tâm của Trục này. Và việc tái xác định vị trí quân sự của Mỹ ở châu Á đóng vai trò quyết định trong nỗ lực thuyết phục các đồng minh của Washington rằng họ không thể cam chịu tương lai của các quốc gia vệ tinh, trong một vùng do Trung Quốc thống trị.

Vấn đề thực sự là các nỗ lực đến nay của Mỹ đã khiến Trung Quốc phản đối nhưng lại không trấn an được các đồng minh. Vụ bắt giữ một tàu Nhật Bản hồi cuối tuần trước ở hải phận Trung Quốc sẽ làm leo thang căng thẳng hai bên, ngay khi ông Obama đặt chân tới Tokyo.

Philippines, một chặng dừng chân khác trong chuyến công du của ông chủ Nhà Trắng, than phiền rằng Mỹ giúp rất ít khi Trung Quốc chiếm bãi đá ngầm Scarborough tranh chấp ở Biển Đông. Obama sẽ tăng cường các mối quan hệ quân sự với Manila trong chuyến thăm, mặc dù thỏa thuận sẽ không bao gồm việc tái mở cửa các căn cứ quân sự Mỹ ở đó.

Những bước đi khác về quân sự của Mỹ ở châu Á đến nay vẫn rất khiêm tốn. Mỹ tuyên bố mở một cơ sở mới về huấn luyện lính thủy đánh bộ ở Australia và một sự luân phiên nhỏ các nguồn lực hải quân hướng tới Thái Bình Dương. Toàn bộ điều đó có nguy cơ đi ngược lại lời khuyên nổi tiếng của Theodore Roosevelt là "hãy nói nhỏ và mang gậy lớn".

Trục xoay của Mỹ đến nay chỉ dẫn tới những lời lẽ to tiếng còn gậy thì có vẻ khá nhỏ.

Khía cạnh dân sự chính của Trục là lực đẩy hướng tới một Hiệp định ước Đối tác Xuyên thái Bình Dương mới (TPP), tạo nên một khu vực tự do thương mại kết nối Mỹ với 11 nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán được dự đoán sẽ sa lầy, vì không có sự nhượng bộ về các quyền lợi bất di bất dịch.

Mặc dù vậy, nếu lần thăm này Obama có thể đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại thì ông sẽ tiến được một chặng dài trong việc thuyết phục phe chỉ trích rằng trục xoay tới châu Á thực sự có ý nghĩa.

Thanh Hảo