Những chuyển động tích cực

Sau khi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025 đã truyền cảm hứng tích cực để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ được ban hành và đi vào thực tiễn, đến nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã có sự phát triển về cả số lượng, chất lượng, tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.

{keywords}
Chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách ưu đãi đối với CNHT ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa. Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Công thương, đến nay, số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động.

Doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ước đạt 900.000 tỷ đồng/năm, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đã được cải thiện. Theo đó, đã góp phần giúp cho tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử gia dụng đạt từ 30 - 35% linh kiện trong nước; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40% nhu cầu (chủ yếu cho sản xuất xe máy).

Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô đối với một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu chiến lược và quy hoạch đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa; trong đó, xe tải đến 07 tấn đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thị trường, với tỷ lệ nội địa hóa 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên và xe chuyên dụng, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thị trường, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, CNHT của Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm chưa bứt phá được như: Chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp; quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ còn khoảng cách so với các nước cùng khu vực, và vẫn còn tư duy sản xuất sản phẩm khép kín.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo; sản phẩm công nghiệp phụ trợ chưa phong phú về chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao; nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, việc đào tạo nhân lực tại các trường kỹ thuật còn lạc hậu, chưa gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu…

Cần tập trung hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế

Mặc dù vậy, cũng còn rất nhiều tồn tại trong phát triển công nghiệp cũng như CNHT nói riêng. Các doanh nghiệp CNHT Việt Nam chưa khẳng định được mình, chưa có được vị trí và chỗ đứng trong các chuỗi sản xuất trong nước và trên thế giới, do sự hạn chế về quy mô của các doanh nghiệp CNHT, trình độ năng lực về công nghệ, lao động sản xuất của doanh nghiệp… 

{keywords}
Ảnh minh họa.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho rằng: Cần phải tập trung hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tạo nền tảng cơ bản đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng sáng tạo và bền vững. Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp phát triển.

Tranh thủ tận dụng những điều kiện ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia vào trong các chuỗi giá trị, nhất là khai thác cơ hội tại các thị trường mới. Cần có các chính sách mới trong việc quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ, từ đó tạo lan tỏa phát triển tới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa. Phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, bao gồm một số ngành công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo… để cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.

Khẩn trương triển khai và hoàn thành xây dựng hệ thống các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ nói riêng trong việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu... tại 03 vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam và tại các địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp.

Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi mới về thuế, vay tín dụng... để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Minh Đức