Theo UBND tỉnh Sơn La, những năm trở lại đây, nhãn là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sản phẩm nhãn Sơn La đã được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và nước ngoài ưa chuộng, đánh giá cao, bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng nông sản của tỉnh Sơn La, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cung cấp các sản phẩm từ quả nhãn của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Nhãn Sơn La được đăng ký bảo hộ thương hiệu |
Năm 2021, diện tích nhãn toàn tỉnh vào khoảng 19.224 ha, trong đó, tập trung tại các huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… với sản lượng ước đạt 98.500 tấn, trong đó, 2.200 ha nhãn với sản lượng gần 22.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, châu Âu… Riêng huyện Sông Mã có trên 7.200 ha nhãn, trong đó, gần 5.900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh Sơn La có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, cụ thể: 3 Chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu; quả xoài tròn của huyện Yên Châu; cà phê Sơn La); 12 Nhãn hiệu chứng nhận (chè Ô long Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; nhãn Sông Mã; cam Phù Yên; táo Sơn Tra Sơn La; bơ Mộc Châu; na Mai Sơn; chè Phổng Lái Thuận Châu; nếp Mường Và Sốp Cộp; bơ Sơn La; xoài Sơn La; cá Sông Đà Sơn La; cá Tầm Sơn La; rau an toàn Sơn La, chanh leo Sơn La, mận Sơn La); 3 Nhãn hiệu tập thể (mật ong Sơn La; chè Tà Xùa Bắc Yên; khoai sọ Thuận Châu), trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài (chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại châu Âu theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017).
Ngọc Ánh