Trong chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị.
Đầu tư phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đã đề nghị Bộ trưởng Xây dựng cho biết giải pháp để chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết đã khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đánh giá những kết quả cũng như các tồn tại, thách thức.
Bộ trưởng Xây dựng nêu rõ, để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động theo Nghị quyết 148. Trong chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị, đúng như ý kiến mong muốn của đại biểu đặt ra.
Theo Bộ trưởng, chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa, đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết và thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng nhiệm vụ đề án chuyên ngành; xây dựng cơ chế chính sách cũng như văn bản quy phạm pháp luật.
Với 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu này, Chính phủ cũng đề ra 33 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, với nhiệm vụ được giao và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, bộ cũng đang tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 06, cũng như Nghị quyết 148 của Chính phủ; tập trung nghiên cứu, xây dựng pháp luật, công cụ để quản lý đô thị như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Cấp thoát nước và các văn bản hướng dẫn…
Hơn 10 năm trước, khi trả lời PV của báo Vietnamnet về vấn đề kiến trúc đô thị, KTS Nguyễn Trọng Huấn chia sẻ, nhìn lại "bộ mặt đô thị Việt Nam" với thời lượng quan sát "hơn ba chục năm qua" thì việc đầu tiên nên làm là tìm "một chỗ đứng", chọn "một góc nhìn" và ... "một độ lùi cần thiết". Và cũng phải dứt mình ra khỏi những bức xúc thường nhật, những thành tích vụn vặt dễ ru ngủ, những thiên kiến ý thức hệ, để trong một chừng mực nhất định, hy vọng có được một nhãn thức toàn cảnh về bức tranh rộng lớn, bao trùm không gian và thời gian của công cuộc đô thị hoá.
Ở nước ta, bộ mặt đô thị, kết quả của cả một quá trình lao tâm, lao lực, chịu tác động nhiều chiều từ những biến thiên, những đứt gãy, thăng trầm lịch sử của một đất nước có hoàn cảnh địa lý và lịch sử đặc biệt, trong những hoàn cảnh thử thách cũng hết sức đặc biệt, không chỉ những năm tháng gần đây.
Trên cơ sở những xác lập ban đầu ấy, trong bối cảnh lịch sử quy định, những điều kiện cần và có của công cuộc xây dựng đô thị, với một cố gắng thật khách quan, không thể không thừa nhận bộ mặt hệ thống đô thị hiện nay, ít nhất về quy mô, khác xa so với bộ mặt hệ thống đô thị do người Pháp để lại trên đất nước này sau năm 1945, khác xa so với trước thời điểm lịch sử khi Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lựa chọn đường lối Đổi mới năm 1986, chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp trong quản lý kinh tế - xã hội sang cơ chế kinh tế thị trường (có định hướng xã hội chủ nghĩa), dũng cảm vượt thoát khỏi tình trạng tự cô lập và bị cô lập.
Chính bộ mặt đô thị mà chúng ta tự tay xây dựng mới đúng là đối tượng để khảo nghiệm.