Chợ không tiền mặt

Trước đây, mỗi lần đi chợ, chị Nguyễn Thị Hường (Cần Thơ) phải mang theo một lượng tiền mặt nhất định. Từ khi làm quen với phương thức thanh toán số, chị Hường chỉ cần cầm theo điện thoại thông minh, quét mã và thanh toán. Từ hàng rau tới quầy bán thịt đều có dán mã QR để cho người mua tiện thanh toán. “Đi chợ không tiền mặt vừa nhanh mà không phải lo làm rơi tiền hay bị móc ví”, chị Hường nói.

Bà Trang, tiểu thương bán trái cây cho hay, người bán không còn phải lo tiền lẻ để trả lại cho khách. Qua điện thoại thông minh quét mã QR, số tiền cần thanh toán hiển thị chính xác từng con số. Tiểu thương không lo nhận phải tiền giả hay mất cắp khi mang nhiều tiền mặt bên người.

“Cuối ngày, tôi nắm bắt được ngay các khoản thu chi trong ngày, không phải tính toán thủ công như trước. Sử dụng rất tiện và đơn giản”, bà Trang nói.

Tháng 9/2022, Sở Công Thương Cần Thơ và VNPT Cần Thơ phối hợp ra mắt mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ An Thới, quận Bình Thủy. Ðây là mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên tại Cần Thơ.  

Với chiếc điện thoại trên tay, thậm chí chưa cần đến smartphone hay kết nối Internet, tiểu thương và người dân có thể thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại. 

Quét mã để thanh toán mua hàng

Việc thực hiện mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” được tiểu thương và người dân hưởng ứng vì mang lại những lợi ích rất thiết thực. Nhờ vào hạ tầng viễn thông mạnh, phủ sóng toàn quốc, lần đầu tiên, chỉ bằng số điện thoại, người dân ở bất cứ đâu đều có thể dễ dàng đăng ký và trải nghiệm giao thương không tiền mặt, với đa dạng nguồn tiền, sử dụng mọi nơi, mọi lúc.

Tới nay, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng mô hình chợ 4.0, đi chợ không dùng tiền mặt. Chẳng hạn, tại huyện Càng Long (Trà Vinh), Viettel Trà Vinh triển khai mô hình chợ công nghệ mới tại chợ Nhị Long. Cà Mau đồng loạt triển khai 10 điểm “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt”. Tiền Giang ra mắt mô hình chợ 4.0 đầu tiên tại chợ Vĩnh Bình.

Ở khu vực phía Bắc, Thái Nguyên đặt mục tiêu triển khai tại 100% chợ, phấn đấu đến hết năm 2022, 100% tiểu thương, hộ kinh doanh cố định trang bị và sử dụng thành thạo, thường xuyên công cụ thanh toán không dùng tiền mặt. Bắc Ninh thử nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống từ tháng 12/2022, và năm 2023 sẽ triển khai đồng loạt tại các chợ còn lại trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến trong tương lai không xa, “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” sẽ phủ sóng tới tận vùng núi, nông thôn ở khắp 63 tỉnh, thành. 

Hướng tới xã hội không dùng tiền mặt

Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho hay, với mô hình chợ không tiền mặt và dịch vụ Mobile Money, VNPT mong muốn được chung tay triển khai chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt quốc gia, giúp mỗi người, mỗi nhà tiếp cận những dịch vụ tài chính số với nhiều lợi ích thật sự thiết thực.

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính, Việt Nam đang tiến gần hơn đến một nền tài chính toàn diện và dần trở thành một xã hội không dùng tiền mặt. Nghiên cứu của Google cho thấy, đại dịch đã thay đổi cách người dùng kết nối nguồn tiền và cách họ tương tác với các ngân hàng.  Thói quen thanh toán bằng tiền mặt đã thay đổi hoàn toàn ngay cả khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng. Ngày càng có nhiều người Việt sử dụng các công nghệ thanh toán mới.

Ngày càng có nhiều người Việt sử dụng các công nghệ thanh toán mới.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam - Lào cho biết, Việt Nam có tỷ lệ tiếp cận Internet, sử dụng điện thoại thông minh lớn, đây là một lợi thế, tác động vào hành vi người tiêu dùng, chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức không dùng tiền mặt. Số lượng người tiêu dùng không dùng tiền mặt ở Việt Nam ngày càng tăng. Ước tính cứ 3 người thì 2 người đã từng sử dụng phương thức thanh toán không cần dùng tiền mặt.

Mô hình chợ 4.0 là một trong những mục tiêu xây dựng kinh tế số. Người dân là chủ thể xây dựng công dân số. Từ thành thị đến nông thôn, người dân đều có thể dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với số điện thoại, tiếp cận các dịch vụ tài chính số. 

Số hóa đã len lỏi vào ngóc ngách cuộc sống của người dân một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả nhất. Từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt, rộng mở cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, việc mở ra những cơ hội giao thương trên nền tảng số cho người dân được coi là nhiệm vụ quan trọng. 

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt từ 2021-2025. Mục tiêu là 80% người tiêu dùng từ 15 tuổi trở lên phải có tài khoản giao dịch và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt cao gấp 25 lần GDP tới năm 2025. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%.

Duy Khánh