Uống trà đá quét mã QR
2h chiều, quán trà đá nhỏ của vợ chồng chị Thúy Quỳnh, 39 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội, tấp nập khách ra vào. Mỗi lần đến lượt thanh toán, khách hàng được lựa chọn 3 phương thức: Tiền mặt, chuyển khoản hoặc quét mã QR.
Cốc trà đá giá 3.000 đồng, Minh Ngọc, 26 tuổi, thanh toán chỉ với một thao tác quét mã đơn giản. Số tiền ngay lập tức được thông báo đến tài khoản của chủ quán.
"Tôi rất ngạc nhiên khi biết quán trà đá cũng được số hóa, bắt kịp xu thế 4.0", Ngọc nói.
Chị Quỳnh mở quán trà đá cách đây 3 năm. Hai năm qua, đại dịch Covid-19 là đòn bẩy quan trọng khuyến khích giải pháp thanh toán không tiền mặt. Gia đình chị cũng không nằm ngoài xu hướng, được hướng dẫn tạo mã QR và kích hoạt tài khoản ngân hàng.
Trước đây, chị thường phải chuẩn bị tiền lẻ trả lại khách, những tờ mệnh giá nhỏ ngày càng "hiếm" như 1.000 hay 2.000 đồng. Thói quen "đau đầu" này không còn từ khi chị được phổ cập công nghệ.
"Mỗi ngày chúng tôi bán từ 400-500 cốc trà đá, nhân trần, khách hàng đông đúc. Thanh toán tiền mặt nhiều lúc phức tạp, không kịp trả khách tiền thừa", chị Quỳnh nhớ lần khách đưa 500.000 đồng thanh toán cho cốc trà đá 3.000 đồng khiến chị "méo mặt".
Nữ chủ quán nhận xét cách thanh toán mới thuận tiện, giúp kiểm soát tốt tình hình tài chính. Chị có thể thống kê tiền qua ứng dụng dành cho người bán hàng của dễ dàng.
Anh Phạm Quang Tuấn, quận Đống Đa, Hà Nội, thích thú quét mã QR trả 18.000 đồng cho cốc trà đá kèm đĩa hướng dương. Anh từng nghĩ, chỉ ở những cửa hàng lớn hay trung tâm thương mại mới có mã QR.
"Thanh toán không tiền mặt đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong đời sống xã hội", anh Tuấn nhận định.
Là công dân 4.0, mỗi khi ra đường, người đàn ông chỉ mang theo 100.000-200.000 đồng tiền mặt "phòng thân", các giao dịch đều cố gắng thanh toán thông qua các hình thức trực tuyến (online).
Anh cũng có thiên hướng tìm đến những cửa hàng, nhà hàng cho phép chuyển khoản, thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc quét mã QR.
"Hạn chế dùng tiền mặt góp phần giúp khách hàng tránh các rủi ro, còn chủ cửa hàng quản lý tài chính tốt hơn. Với những lợi ích vượt trội như tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính an toàn, bảo mật, thanh toán không tiền mặt đang trở thành xu thế tất yếu, từ cửa hàng vỉa hè đến những nơi sang trọng", anh Tuấn nói.
Huyền Trang, 30 tuổi, nhân viên văn phòng, tự nhận là kiểu người "nói không với tiền mặt". Mọi việc mua bán từ thịt, mớ rau, bánh mì, cốc trà sữa, thậm chí đến tiền mừng cưới, phúng viếng,… đều có thể chuyển khoản.
"Tôi rất ghét mỗi lần ra cây ATM chen chúc rút tiền mặt", Trang nhớ mãi lần rút tiền giá trị 4 triệu đồng nhưng bị rơi dọc đường, khiến cô bắt đầu "dị ứng" với tiền mặt.
Thanh toán không tiền mặt đang trở thành xu hướng tất yếu
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, tăng 27,5% về giá trị. Giao dịch qua Internet cũng tăng 48%, qua điện thoại di động tăng 97%; qua QR Code tăng tương ứng 56,5% và 111,62%. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Trao đổi với PV Dân Trí, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VNPAY-QR nhận định, trong bối cảnh kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng thanh toán không tiền mặt đang trở thành xu hướng tất yếu.
Ông Tuấn dẫn báo cáo chuyên môn, tính đến năm 2022, 85% người tiêu dùng tại Việt Nam yêu thích và sử dụng phương thức thanh toán này thường xuyên hơn so với hai năm trước.
"Nhiều cửa hàng trà đá ở Hà Nội và TPHCM cũng chấp nhận thanh toán QR", ông Tuấn cho biết.
Theo ông, trước đây, thanh toán số được xem là điều xa xỉ, lớn lao. Hai năm Covid-19 vừa qua chứng kiến nhu cầu thanh toán không tiền mặt tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý cần cập nhật đúng ứng dụng ngân hàng, cũng như cẩn thận tin nhắn giả mạo với các thông tin không chính thống, không chia sẻ mã OTP cho người khác theo khuyến cáo của các ngân hàng.
(Theo Dân Trí)