Giữa năm 2023, chợ Cái Rồng (huyện Vân Đồn) triển khai mô hình “Chợ 4.0”. Với ưu thế nhanh chóng, thuận lợi, chính xác của việc thanh toán không tiền mặt qua các ứng dụng internet banking, mô hình khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ lớn của tiểu thương tại chợ cũng như người tiêu dùng. Đến nay, trên tổng số 364 hộ kinh doanh tại chợ, đã có trên 350 hộ sử dụng thanh toán không tiền mặt qua internet banking hoặc mã QR thanh toán do các ngân hàng cung cấp.
Buôn bán hàng gia dụng tại chợ Cái Rồng hơn 20 năm, chị Hồ Chị Hiên, phấn khởi chia sẻ: “Bây giờ hầu như mọi người đều thanh toán qua các ứng dụng ngân hàng số. Thường tâm lý mọi người ngại mang theo nhiều tiền mặt. Chỉ cần một chiếc điện thoại, có tài khoản ngân hàng, quẹt mã là có thể thanh toán hàng nhanh chóng, tiện lợi.
Để thuận lợi cho khách, tôi cũng chuẩn bị tới 3 mã quét QR của 3 tài khoản ngân hàng khác nhau. Mà bản thân mình lấy hàng cũng không cần phải lo vấn đề chuyển tiền hàng cho các đơn vị phân phối, cứ chuyển khoản là xong”.
Bắt đầu triển khai từ năm 2022, “Chợ 4.0” góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, từ đó giúp hình thành thói quen, từng bước đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản: Số 5517/UBND-XD6 (ngày 24/10/2022), số 3004/UBND-NC (ngày 26/10/2023) về việc triển khai mô hình Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Sở Công Thương cũng tích cực phối hợp với các địa phương triển khai nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” trên địa bàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 13/13 địa phương trong tỉnh phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai mô hình “Chợ 4.0” - tại tất cả các chợ trung tâm. 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Như tại chợ Trung tâm TP Móng Cái, Ban Quản lý chợ cũng đã đầu tư hệ thống wifi miễn phí để tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán không tiền mặt, từ đó thúc đẩy kinh doanh, mua sắm.
Đáp ứng xu thế tiêu dùng hiện tại, mô hình “Chợ 4.0” đang ngày càng được "bao phủ" diện rộng tại các chợ trên địa bàn tỉnh, trong đó không chỉ dừng lại ở các chợ trung tâm. Điển hình tại Hạ Long, địa phương triển khai đầu tiên trong toàn tỉnh, hiện mức độ triển khai mô hình “Chợ 4.0” đã đạt trên 80%.
Tuy vậy, hiện nay, tại một số các chợ vùng sâu, vùng xa, việc triển khai mô hình vẫn còn gặp khó, chủ yếu nằm ở nhóm đối tượng các hộ kinh doanh là người lớn tuổi, ít am hiểu về công nghệ, ít sử dụng điện thoại thông minh…; công tác trưng bày, sử dụng mã QR để thanh toán bị hạn chế, khó bố trí ở một số ngành hàng đặc thù như hàng rau củ quả, hàng tươi sống...
Năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục đặt mục tiêu nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” tới tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Phong, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến lợi ích của mô hình chợ không tiền mặt, qua đó nhằm thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng của các tiểu thương cũng như người mua. Đồng thời, cũng đề nghị các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các tiểu thương trong việc mở các tài khoản, đặt mã QR phục vụ việc thanh toán...
“Chợ 4.0” là một trong những giải pháp quan trọng trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực thương mại, góp phần vào mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt trên 50%.
Nguyễn Trang (Báo Quảng Ninh)