Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thìn ở xã Liên Chung (huyện Tân Yên) tất bật đón những vị khách từ xa đến để mua gà. 

Khác với cách nuôi gà truyền thống, vợ chồng ông Thìn tiên phong trong việc cho đàn gia cầm ăn thức ăn được chế biến từ cây sâm. Theo đó, giá trị những lứa gà của vợ chồng ông Thìn bán ra thị trường luôn ở mức cao và ít chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường nhờ thịt gà ngon và thơm từ cây sâm. 

Theo ông Thìn, sau khi mở doanh nghiệp về trồng cây sâm nam trên diện tích 20ha, năm 2021, gia đình ông nghiên cứu và nuôi thử nghiệm cho đàn gà uống nước từ thân, lá, rễ của cây sâm thay vì sử dụng kháng sinh.

Giống gà thảo dược có giá trị cao hơn gà thông thường từ 10-20 giá.

Sự sáng tạo nêu trên đã thành công ngay từ lứa thử nghiệm đầu tiên khi mang lại hiệu quả rất cao. Cụ thể, tỷ lệ gà sống đạt hơn 90%, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng đạt khoảng 2,5 kg/con. Từ đây, giống gà thảo dược được ông Thìn và các hộ dân ở huyện Tân Yên triển khai rộng rãi, gây tiếng vang. 

"Gia đình tôi bắt đầu nuôi gà thảo dược với khoảng một nghìn con gà mía, quá trình cho ăn, chúng tôi chế biến lá sâm thành thức ăn. Đàn gà được ăn sâm kháng bệnh tốt, khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon được thương lái thu mua để tiêu thụ chủ yếu tại thị trường TP Hà Nội với giá bán cao hơn khoảng 10 nghìn đồng/kg so với gà thông thường", ông Thìn chia sẻ. 

Thành công của một số hộ dân tại xã Liên Chung, nhiều người đã học tập và được những người có kinh nghiệm chỉ dạy. Mỗi lứa gà thảo dược xuất chuồng, nông dân huyện Tân Yên có thể bỏ túi từ 100 - 200 triệu đồng.  

Gà ăn sâm có đề kháng tốt, thịt thơm và ngọt.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thìn, năm 2022, công ty của gia đình ông mở rộng quy mô chăn nuôi lên 9 nghìn con tại 3 hộ ở xã Hợp Đức và Phúc Hòa. Các hộ tham gia đều đạt tiêu chí quy mô trang trại. Khi nuôi gà thảo dược, ông Thìn phụ trách kỹ thuật và thức ăn cho gà. 

Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Yên, mô hình nuôi gà thảo dược mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện kinh tế tại địa phương. Việc người dân sáng tạo, tận dụng vựa sâm nam trên địa bàn để nuôi gà đã tạo nên thương hiệu gà của riêng huyện Tân Yên. Mô hình nuôi gà bằng sâm nam đã mở ra hướng đi mới để Tân Yên mở rộng quy mô chăn nuôi, từng bước hình thành vùng sản xuất rộng lớn gắn với chăn nuôi gà thảo dược, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Huyện Tân Yên có tổng diện tích cây sâm nam khoảng 30ha, thu nhập hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Từ hiệu quả của cây sâm nam, huyện đã quy hoạch vùng trồng với diện tích khoảng 200ha ở các xã Liên Chung, Việt Lập và mở rộng sang các xã An Dương, Tân Trung, Lan Giới và Hợp Đức. 

Huyện Tân Yên có hơn 30ha trồng cây sâm.
Người dân làm giàu nhờ cây sâm nam.
Lá cây sâm được chế biến thành thức ăn, giúp thay thế kháng sinh.
Từ trồng sâm, người dân Tân Yên nuôi được giống gà đặc biệt.