Bộ GD-ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành quy định về một trong các hành vi mà học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Trong khi đó, ở thông tư 12 hiện hành (sẽ bị thay thế từ ngày 1/11/2020), học sinh sẽ không được sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
Bộ GD-ĐT cho hay việc đưa ra quy định mới này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.
Thông tư mới này sau khi ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rẳng tinh thần của thông tư là rất phù hợp với thời đại, với xu hướng học tập của tương lai và bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục.
Có chăng thách thức và trở ngại là vấn đề quản lý học sinh ra sao và cần tìm ra giải pháp cho việc này.
Không nên cấm!
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội ủng hộ tinh thần của thông tư này.
“Hiện nay, chương trình mở, internet phát triển và nguồn học liệu cũng rất phong phú. Do đó, không nên cấm mà làm sao để học sinh sử dụng điện thoại di động đúng mục đích phục vụ cho việc học”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng |
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, tinh thần thông tư có thể hay nhưng khi đi vào thực tiễn thì có khi lại phản tác dụng. Cũng vì thế mà đòi hỏi giáo viên phải ý thức, trách nhiệm hơn trong quản lý học sinh.
“Ra yêu cầu phải kiểm tra kết quả của học sinh cuối cùng một cách rõ ràng, chứ không phải cho học sinh mở điện thoại rồi thích làm gì thì làm”.
Song, ông Lâm cũng nhìn nhận, việc giám sát là không hề đơn giản.
Theo ông Lâm, khi cho phép sử dụng thiết bị cho nhiệm vụ học tập, giáo viên cần quy định về thời hạn và yêu cầu học sinh thể hiện được kết quả.
Có thể ngoài giám sát của chính giáo viên, cần nâng cao, phát huy tính tự quản của học sinh. “Phải chia tổ, chia nhóm học sinh để theo dõi, nhắc nhở và giám sát lẫn nhau. Để bạn ngồi ngay cạnh vi phạm thì các học sinh xung quanh không ngăn chặn cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, chịu kỷ luật theo nhóm”, ông Lâm nói.
“Cũng phải nêu rõ các mức kỷ luật đối với học sinh sử dụng điện thoại không vì mục đích học tập và không được giáo viên cho phép. Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của giáo viên nếu để học sinh sử dụng điện thoại một cách tùy tiện, không vì mục đích học tập”.
Công nghệ có thể giúp quản lý học sinh dùng điện thoại
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quy định mới của thông tư 32 là phù hợp với thời đại, với xu hướng học tập của tương lai, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang chuyển đổi số rất mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.
Việc học tập và giảng dạy hiện nay là ở bất cứ nơi đâu, mọi nơi mọi chỗ chứ không chỉ giới hạn trong tường bao lớp học.
“Khi trường học là hệ sinh thái rồi thì việc học thông qua các thiết bị di động trước sau gì cũng sẽ diễn ra, chỉ là nhiều hay ít mà thôi”.
Tuy nhiên, theo ông Nam, vấn đề quan trọng là kiểm soát học sinh ra sao. Ông Nam cho rằng hiện nay, công nghệ để kiểm soát việc học tập qua các thiết bị di động của học sinh cũng đã có.
Tuy nhiên, để làm được những điều đó thì cần có một số sự chuẩn bị.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thanh Hùng |
Thứ nhất, bản thân người giáo viên phải được tập huấn tất cả những gì về phương pháp quản lý học sinh trên không gian internet.
“Mỗi học sinh có một thiết bị di động nhưng có thể đều phải cài vào một phần mềm và giáo viên có thể biết và kiểm soát bao nhiêu học sinh đang truy cập. Hoặc giáo viên đưa ra một câu hỏi thì có thể cài đặt trong khoảng thời gian là bao nhiêu đó, thì các học sinh trong lớp đã kết nối điện thoại phải đưa ra câu trả lời; nếu không hoặc khi hết thời gian, phần mềm sẽ tự động đóng và coi như học sinh không hoàn thành nhiệm vụ học tập đó.
Thậm chí có những phần mềm có thể cho giáo viên thấy khi học sinh đang thao tác trên ứng dụng gì thì sẽ hiển thị trên màn hình của giáo viên bên cạnh tên học sinh. Màn hình của giáo viên chiếu luôn trên bảng, nên nếu học sinh nào làm gì cả lớp đều rõ. Tức là phải đến mức như thế thì mới có thể quản lý được học sinh không làm những việc riêng khác. Công nghệ có thể giúp giáo viên quản lý những việc đó nhưng vấn đề là phải tập huấn, huấn luyện giáo viên”.
Thứ hai, khi đã cho phép học sinh mang điện thoại di động vào lớp thì phải trang bị cho các em các năng lực của công dân số từ trước.
“Ví dụ đưa vào từ cấp THCS thì phải chuẩn bị cho các em từ cấp tiểu học về các kỹ năng về an toàn mạng, người dùng có trách nhiệm, biết sử dụng các ứng dụng,...”.
Thanh Hùng
'Sự thông minh trống rỗng' khi cho học sinh dùng smartphone
Công nghệ phát triển khiến "lớp học phải thông minh" là tất yếu nhưng điều đáng lo là phải đối mặt với "sự thông minh trống rỗng", khi kho dữ liệu dùng cho giảng dạy không hề được đầu tư.